Khi bàn về các tu sĩ Đa Minh Việt Nam giai đoạn I, chúng ta biết rằng người Việt đầu tiên khấn dòng là cha Piô de Santa Cruz, vào năm 1739. Còn các nữ tu Đa Minh Việt Nam xuất hiện từ bao giờ? Thật là khó trả lời câu hỏi này. Khởi nguyên của các nữ tu Đa Minh Việt Nam có thể ví như buổi sáng sớm ở Đà Lạt, với nhiều sương mù: ánh sáng mặt trời lóe lên giữa màn sương mờ mờ ảo ảo, không thể xác định vào hồi mấy giờ mấy phút. Trong quyển Dòng Đa Minh trên đất Việt (q.II, Saigòn 1995, tr. 219), cha Bùi Đức Sinh nói rằng nhà mụ đầu tiên được thiết lập tại Trung Linh năm 1715 do cha chính Dòng Bustamante Hy (truyền giáo tại VN 1696-1725). Ở cuối trang, cha Sinh quy chiếu tác phẩm của cha A.Walz. Vì muốn kiểm chứng nguồn tư liệu, tôi lật sách của Walz (với 2 ấn bản năm 1930 và 1948) thì thấy tác giả không khẳng định về nhà mụ Trung Linh mà chỉ nói trống rằng nguồn gốc các nữ tu Đa Minh bắt nguồn vào khoảng năm 1715 như sau:
“In partibus Tunquini iam anno 1715 vicarii provinciales, ut mulieribus puellisque christianas leges et laborem melius imprimerent, virgines tertiarias conventualis velut missionarias auxiliares congregabant, quae vicariis apostolicis probantibus, varios Tunquinenses districtus incolebant. Sinulae earum domus ab invicem independentes suique iuris exsistunt. Anno 1926 huiusmodi tertiariae regulares aderant 503”
[Tại Bắc Kỳ từ năm 1715, các cha Chính, nhằm giúp cho việc dạy dỗ đạo lý và nghề nghiệp cho các phụ nữ và thiếu nữ Công Giáo, đã quy tụ các trinh nữ dòng Ba như là những kẻ trợ giúp các nhà truyền giáo, trong nhiều hạt của Bắc Kỳ, với sự chấp thuận của các Ðức giám mục (Ðại Diện Tông Tòa). Mỗi nhà (singulae) được tự lập với nhau, và sống theo kỷ luật riêng. Vào năm 1926, con số các chị dòng ba kỷ luật là 503 người]. (P. Angelus Walz, OP, Compendium Historiae Ordinis Praedicatorum, Romae MCMXLVIII, Pontificium Athenaeum “Angelicum”, Salita del Grillo, I, § 127, tr. 696.)
Đó là lý do mà tôi đã ví với buổi sớm sương mù.
Gốc tích của các nhà mụ ở Việt Nam cần được móc nối với việc thành lập Dòng Mến Thánh giá được Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte quy định trong công nghị (synodus) họp tại Định Hiến (Nam Định) vào năm 1670. Tu viện đầu tiên được lập tại Kiên Lao (Nam Định). Khi các cha Đa Minh thuộc tỉnh dòng Mân Côi Philippin được mời đến truyền giáo tại Đàng Ngoài (năm 1676), họ được giao phụ trách miền Đông. Thực ra, việc giao miền Đông chỉ trở thành chính thức vào năm 1693, khi cha Raimondo Lezzoli OP (Đức thầy Cao) được đặt làm giám mục. Cha là người Ý, gia nhập tỉnh dòng Mân Côi, và được gửi sang Việt Nam từ năm 1681. Lên làm giám mục, đức cha chia cắt một số hạt giao cho các cha dòng Augustinô đồng hương phụ trách. Đức cha tỏ ra thiên vị các người đồng hương hơn là với các anh em đồng dòng nhưng khác giống! Tình trạng trở nên căng thẳng dưới thời đức cha Sextri OP, khi ngài chọn một cha dòng Augustinô người Ý làm giám mục phó với quyền kế vị: đức cha Hilarius Costa (giám mục phó từ 1734 và nhiếp chính vào năm 1737). Nhiều tranh chấp đã xảy ra trong việc phân chia các hạt. Cuộc tranh luận kiện cáo được đưa lên Tòa thánh, và kéo dài cho tới năm 1763, khi Bộ Truyền Giáo ra lệnh cho các cha dòng Augustinô phải rời khỏi lãnh thổ địa phận Đông Đàng ngòai (xem vắn tắt nội vụ trong quyển Dòng Đa Minh trên đất Việt, quyển I, trang 58-66). Một trong những đề tài tranh chấp là quyền hành trên các nhà mụ. Chính nhờ cuộc tranh chấp này mà chúng ta biết được đôi chút lịch sử về giai đọan mù mờ của các nữ tu Đa Minh Việt Nam. Chúng tôi xin lượm lặt vài mảnh bút ký theo dòng thời gian.
1745
Như đã nói trên, nhà mụ Mến Thánh Giá tiên khởi được thành lập tại Kiên Lao năm 1670. Khi các cha Đa Minh được ủy thác phụ trách địa phận Đông (từ năm 1693), thì Kiên Lao nằm trong lãnh thổ của Dòng. Dĩ nhiên là tới lúc này, dòng Mến Thánh Giá đã phát triển và nhiều tu viện nữa đã được thành lập. Các cha Dòng Đa Minh không thể nào làm ngơ không lo đến các chị. Sự chiếu cố này không chỉ giới hạn vào việc cử hành bí tích cho các chị, nhưng còn dụ các chị vào dòng Ba nữa.
Chúng tôi không rõ từ khi nào chị dòng Mến Thánh Giá đã gia nhập Dòng Ba, nhưng theo Đức Cha Bourges MEP (đại diện Tông tòa địa phận Tây Đàng Ngòai), các chị Mến Thánh Giá đã than phiền rằng cha Juan de santa Cruz OP đã cưỡng bách họ ăn thịt, trong khi Luật Dòng Mến Thánh Giá chỉ cho phép ăn thịt mỗi năm 3 lần vào dịp lễ Phục Sinh, Hiện Xuống và Giáng Sinh. Nhưng mà đức cha Bourges không can thiệp. (Xem Nhật ký của Đức Cha Bourges (4/12/1709- 28/12/1710) đăng trong A. Launay, Histoire de la mission du Tonkin. Documents historiques, Vol.I, Paris 1927, trang 460.
Vấn đề tranh chấp giữa dòng Mến Thánh Giá và các chị dòng Đa Minh trở nên căng thẳng dưới thời đức cha Hilario Costa. Đức cha triệu tập một công nghị tại Lục Thủy năm 1753, trong đó có nghị quyết dành quyền thiết lập các nhà dòng Mến Thánh Giá (giữ luật thánh Augustinô) trên lãnh thổ của địa phận Đông, và tất cả các nhà phước phải tùng phục Đức Cha.
Dòng Đa Minh phản đối, không tham dự công nghị và bị Đức Cha phạt vạ tuyệt thông. Các cha kiện lên Bộ Truyền Giáo và được xử thắng: các nghị quyết của công nghị bị hủy bỏ. Hồ sơ của vụ kiện được đăng trong tập sách Ragioni dei PP. Domenicani spagnuoli della provincia delle Filippine sopra i dỉstetti di Ke On detto altrimenti Phu Thay, di Luc Thuy, di Ke Sat, e Ke Ban nel Tunchino esposte alla Sacra Congregazione di Propaganda Fide, Roma 1757. Trong số văn bản đính kèm, bức thư của cha Ponsgrau OP (bề trên phụ tỉnh) viết lên bề trên tổng quyền Ripoll (30/5/1745) cho chúng ta một thoáng nhìn về tình hình các nhà phước (trang 243-250).
Lúc đầu các chị Mến Thánh Giá tuy sống chung với nhau và tuân giữ một bản luật nhưng họ không có lời khấn. Lý do có lẽ tại vì tình hình bất ổn vào thời kỳ bắt đạo. Họ có thể hồi tục bất cứ lúc nào họ muốn. Vì thế họ không phải là tu sĩ theo nghĩa chặt của giáo luật, nhưng chỉ được coi như hội viên của hiệp hội đạo đức (confraternitas). Về sinh hoạt thường nhật, họ không có nghề nghiệp gì khác với các phụ nữ trong làng: chăn nuôi, dệt vải, buôn bán,vv. Tuy nhiên về đời sống tinh thần, họ dành nhiều thời giờ đọc kinh cầu nguyện, thăm viếng kẻ liệt, giữ vâng lời, khiết tịnh và khó nghèo. Họ vâng lời bà bề trên nhà và ở dưới quyền của cha xứ. Vào năm 1745, trong các hạt của dòng đã có 5 nhà (trong đó 4 nhà do các cha Đa Minh lập ra). Tiếc rằng tác giả không cho biết trong 5 nhà ấy, nhà nào thuộc Mến Thánh Giá và nhà nào thuộc các chị Đa Minh.
Đức Cha Hilario Costa yêu sách đòi đặt tất cả các nhà ở dưới quyền của giám mục (thay vì thuộc quyền các Cha xứ như trước). Ngài muốn kiểm soát các nhà phước, soạn sách thiêng liêng cho họ, bổ nhiệm các cha dòng Augustinô làm tuyên úy, kể cả tại các nhà ở trong lãnh thổ của các cha Đa Minh. Công nghị Lục Thủy cũng đòi các chị Đa Minh tại Ngô Đằng phải rút khỏi sở và nhường nhà lại cho các chị Mến Thánh Giá: ai trái lệnh sẽ bị phạt cấm chế (interdictum). Các chị Đa Minh phải vâng phục Giám mục sở tại chứ không được sử dụng đặc ân của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XIII (bulla Pretiosus). Cấm không ai được bắt các chị Mến Thánh Giá phải chuyển sang Đa Minh. Các nhà Đa Minh ở Trung Linh, Kẻ Bùi, Trung Lao (trước đây thuộc Mến Thánh Giá) nay sẽ phải trả lại cho Đức Giám mục. Không ai (dù là Mến Thánh Giá hay Đa Minh) được phép tuyên khấn khiết tịnh trọn đời trước khi tới 40 tuổi.
Dĩ nhiên, Dòng Đa Minh đã phản đối các nghị quyết vừa nói, và đã thắng cuộc. Nhưng các cuộc tranh chấp giữa Mến Thánh Giá và Dòng Ba Đa Minh vẫn chưa êm. Bảy năm sau, trong chuyến kinh lý của đức cha Giovanni Antonio Boucher OFM được Bộ Truyền Giáo phái sang kinh lý để giải quyết các chuyện rắc rối giữa dòng Đa Minh và dòng Augustinô (1761) Trong bản tường trình gửi về Tòa thánh (2/7/1762), vị kinh lược cho biết rằng các chị Mến Thánh Giá tuy ít người nhưng được dân chúng mến phục hơn là các chị Đa Minh. Theo đề nghị của Đức Cha, Bộ ra lệnh rằng không ai, dù là linh mục triều hay dòng, được phép trực tiếp hay gián tiếp cưỡng ép các chị Mến Thánh Giá phải đổi sang Dòng Ba Đa Minh. Ai trái lệnh sẽ bị treo chén tức khắc (nghị định ngày 12/6/1764).
Dù sao xem ra quyết định này chỉ được ban hành cho có lệ, bởi vì trên thực tế, các cha dòng Augustinô được lệnh rút ra khỏi khu vực truyền giáo miền Đông Đàng Ngoài. Thế là các chị Mến Thánh Giá mất nơi nương tựa!
1864
Bút tích lấy từ Breve reseňa del metodo que se observa en las misiones del Tunquin, đăng trong Resumen historico de las misiones que la Provincia del Santisimo Rosario de Filipinas de la Orden de Predicadores tuvo en la Isla Formosa … Manila 1864, p.xxxi-xxxiii; xxxix.
Các nhà phước được cất giữa các làng công giáo. Cách kiến trúc không có gì khác với nhà của các cha và các thầy giảng. Các chị không có lời khấn dòng. Tuy nhiên các chị tuân giữ một quy luật sống giống như các tu sĩ, nếu họ muốn sống chung với nhau. Bà bề trên điều khiển các chị, và chăm sóc các chị như bà mẹ. Thường bề trên là người đứng tuổi, đức độ, từng trải về nhà phước. Để được thâu nhận, cần có ơn gọi, bày tỏ ý định dâng mình cho Chúa Kitô như bạn trăm năm, và tỏ lòng sẵn sàng làm việc mưu cầu thiện ích cho tha nhân mỗi khi đức vâng lời bảo là xứng hợp. Họ lãnh áo Dòng Ba do cha Chính dòng hay do một cha Dòng được ủy quyền. Mãn năm tập, các chị cũng tuyên lời khấn trước mặt các vị ấy. Quy luật nhà phước cũng giống như quy luật Nhà Đức Chúa Trời, tuy phải thích nghi cho các phụ nữ, được quy tụ với mục tiêu duy nhất là phụng sự Thiên Chúa và giúp vào việc truyền giáo. Trong nhà phước có một nhà nguyện, nơi các chị tụ họp để đọc kinh cầu nguyện; nhưng khi tham dự Thánh lễ hay lãnh các bí tích thì họ ra nhà thờ xứ như các giáo dân khác. Mỗi khi đi từ nhà phước ra nhà thờ, các chị đi chung với nhau. Họ xưng tội rước lễ khá thường xuyên: có người hàng tuần, có người hàng hai tuần tùy dịp tiện gặp được cha giải tội. Đôi khi, bởi vì thiếu cha giải tội như vậy cho nên luật chỉ buộc xưng tội mỗi tháng một lần. Hàng năm các chị cấm phòng 10 ngày. Các chị học chữ quốc ngữ với mục tiêu duy nhất là đọc được các sách đạo đức, ngõ hầu có thể dành thời giờ đọc sách thiêng liêng.
Hàng ngày, sau khi đã chu toàn bổn phận đọc kinh thờ phượng Chúa, các chị may dệt hay làm công việc chân tay hợp với phái nữ. Ngoài ra các chị còn chăn nuôi gà lợn trong sân và chuồng. Trong các hồ ao, các chị nuôi cá; và họ không quên trồng trọt rau cải trong vườn. Nhờ vậy các chị có thể tự túc mưu sinh, không nhờ vả đến ai: Gặp khi túng quẫn, các chị cũng lên Đức Cha hay cha Chính dòng, và các ngài lấy tài sản Nhà Chung để giúp họ. Các chị sống rất nghèo, và bữa ăn còn thanh đạm hơn các thầy giảng ở Nhà Đức Chúa Trời.
Không mấy khi người ngoài được lui tới nhà phước. Thản hoặc người nào do ân huệ đặc biệt được phép vào thì phải là người rất đáng tin cẩn và vì lý do hệ trọng. Rất ít khi cha xứ vào nhà phước, ngọai trừ khi có lý do trầm trọng và phải có người khác đi theo. […]
Quả là phép lạ khi ở giữa xứ ngoại đạo, với những cuộc bách hại dữ dội, lại có thể thiết lập những nhà yên tĩnh như vậy được, trong đó biết bao linh hồn thánh thiện sống đời đạo đức sốt sắng, nhờ hương thơm nhân đức và gương lành, họ đã mang về cho Chúa biết bao nhiêu người ngọai đạo hay tội lỗi, cũng như nhờ bao công lao vất vả do đường sá xa xôi, họ đã đưa về trời hàng ngàn trẻ em bé thơ […].
Trong thời tương đối bình an, các chị thỉnh thỏang đi từng hai người vào các làng để rửa tội cho các trẻ em con nhà ngọai đạo sắp chết. Những chuyến đi như vậy thường là dài, thế mà, đội ơn Chúa, không xảy ra gương mù nào cả. Sau vài ba tháng, các chị trở về với danh sách những em bé được rửa tội, để lỡ có thể được thì chuộc các em nếu còn sống. Trong thời buổi cấm đạo, ngoài việc giúp ích rất nhiều cho tha nhân bằng hương thơm nhân đức và sức mạnh của lời cầu và khuyên nhủ, các chị còn giúp đỡ các thừa sai bằng việc chuyển giao thư từ.
1878
Bút tích của cha Miguel Portrell, cha chính địa phận Đông. Breve resumen historico de las misiones espaňoles en Tunquin, in: “Correo Sino-anamita” 12 (1878), trang 44.
Các chị sống thành cộng đoàn, giữ nội vi tuy không quá chặt chẽ. Với phép bề trên, các chị có thể ra ngoài nhà dòng để làm công tác. Các chị đi từng hai người, vào các làng ngọai đạo để rửa tội cho các con cái của họ đang lâm bệnh sắp chết.
Các chị tuân giữ một bản quy luật riêng, dâng mình cho Chúa bằng lời khấn hay lời hứa. Các chị nghèo về tài sản nhưng giàu về nhân đức và công phúc. Nhờ đời sống tinh tuyền và lòng mến sốt sắng, họ trở nên gương sáng cho mọi người. Gương tốt của các chị đã nhiều lần thúc đẩy người lương trở lại đạo và người giáo tăng thêm lòng sốt sắng. Hết mọi người, dù lương hay giáo, đều quý mến và kính nể các chị.
1889
Bút tích của cha Pedro Soriano, thư đề ngày 6/4/1889, đăng trong “Correo Sino-anamita” 23(1889), trang 265.
Các chị giữ luật Dòng Ba, thêm vào những chỉ thị của các Đức Giám mục và cha Chính Dòng, nhằm thích ứng với mục tiêu của nhà phước, tức là: rửa tội cho con cái của người ngoại khi gặp cơn nguy tử, chuộc những em còn sống sót, đem chúng vào nuôi ở các viện mồ côi.
1915
Bút tích của cha Francisco Gomez, thư đề ngày 29/4/1915 đăng trên “Correo Sino-anamita” 41 (1916), trang 282.
Tại Nam Am có một trong những nhà phước lâu đời nhất ở xứ này với khoảng 40 chị. Sự hiện diện của các chị trong làng giúp ích rất nhiều cho việc hun đúc lòng sốt sắng. Các tín hữu rất quý các chị. Nhờ các chị mà số người rước lễ hàng ngày gia tăng. Gương sáng của các chị đã thu hút nhiều tín hữu sống đời tinh tuyền và có thể rước lễ mỗi ngày. Gần nửa số chị đi dạy giáo lý trong các làng nơi có các tân tòng. Các chị thực là cánh tay giúp việc đắc lực cho các cha thừa sai.
1916
Trích từ: Los Dominicos en Extremo Oriente, Barcelona 1916, trang 126.
Các chị giữ vai trò quan trọng trong công cuộc truyền giáo. Ngòai việc giúp các nhi đồng trong các nhà Thánh Nhi (Santa Infancia), các chị đi từng hai người vào các làng xóm, lấy cớ đi bán thuốc, để thăm viếng các người bệnh, nói cho họ biết về Nước Chúa và nhất là rửa tội cho các em bé hấp hối. Riêng trong năm 1915 các chị đã rửa tội được 21.123 nhi đồng, những vị từ trời cao sẽ cầu bầu cho quê hương được trở lại cùng Chúa.
1938
- Gispert, La misión dominicana en Tunkín en el siglo XIX, in: Misiones Dominicanas1938, tr.176.
Họ sống chung với nhau dưới quyền của các bề trên riêng. Họ có những luật lệ riêng, giữ khiết tịnh, và không bao giờ đi đường một mình. Ngoài những công việc ở nhà và những việc đạo đức, công tác của họ là đi chuộc và rửa tội những em bé thuộc con nhà ngoại đạo sắp chết, hoặc có nguy cơ sẽ bị bán vì gia cảnh túng thiếu. Ngoài ra, một phận vụ khác là dạy giáo lý cho những giáo lý cho những phụ nữ xin lãnh bí tích rửa tội, phụ trách các viện mồ côi và các trạm y tế rải rác trong các xứ đạo, và đặc biệt là phải làm gương sáng. Điều cuối cùng này đã được tuân thủ nghiêm minh, bằng chứng là họ được kính trọng ngay cả bởi những người ngoại đạo. Họ không mang của hồi môn vào nhà phước, và cũng không lấy một đồng lương nào do công việc làm; họ chỉ sống nhờ những gì tay họ làm ra tại nhà hay ở đồng ruộng, thêm những của làm phúc. Những công việc thường xuyên tại gia là nuôi tằm, dệt vải, và chế thuốc. Họ là những người đi thâu nhặt hoặc rửa tội số lớn các bé trai gái, con nhà ngoại đạo.
1988
Hồi ký của cha Francisco Zurdo nhân dịp phong thánh tử đạo Việt Nam. Los dominicos espaňoles en Viet Nam, Madrid 1988, trang 229.
Công việc của các chị thầm lặng nhưng rất hữu hiệu, thực khó mà đánh giá hay mô tả, nhất là vào thời buổi cấm đạo. Các chị sống khắc khổ, khó nghèo, nhiệm nhặt. Nhà của các chị rất nghèo, thức ăn đạm bạc, lại còn thường ăn chay hãm mình. Các chị là thiên thần của tình bác ái; ngòai việc coi sóc các trẻ em trong các ký nhi viện, các chị còn đi từng đôi một viếng thăm các xóm làng, đến các người đau ốm nhất là rửa tội các nhi đồng sắp chết, thu nhận các trẻ em tật nguyền trước khi chúng bị cha mẹ bỏ rơi cách tàn nhẫn. Năm 1848 các chị đã rửa tội cho 13.506 em trong địa phận Trung.
Thay lời kết
Những chứng từ trên đây đã quá hùng hồn rồi, không cần phải bình luận nữa. Chỉ xin thêm vài chú giải về kỹ thuật.
1/ Nhà mụ hay nhà phước? Danh từ nhà phước sát với nguồn gốc hơn. “Nhà phước” không có nghĩa là “nhà làm việc phước thiện” (phúc đức) nhưng là “nhà của các bà phước” (tức là “Các chân phước”: beatas). Đây là từ ngữ mà người Tây Ban Nha (và Bồ Đào Nha) đặt cho các phụ nữ độc thân mà không đi tu. Giáo luật thời xưa chỉ chấp nhận chế độ “tu kín”. Vì thế ai muốn “tu hở” (để làm việc tông đồ bác ái) thì không được nhìn nhận như là nữ tu. Từ đó mà họ được gọi cách thân mật là “beatas”. Nhà dòng của họ được gọi là beaterio. Sang đến Việt Nam, người ta gọi là các “bà mụ”. Nguồn gốc của từ này còn bị sương mù bao phủ. Có thể “mụ” là một tiếng thân mật, tương đương với “mẫu”, “mợ”. Nên biết trong tiếng Anh, nun gốc bởi nonna (La Tinh, và dịch ra tiếng Pháp là nonne) có nghĩa “mẹ”.
Dù sao thì “Mụ” là tên đặt cho bề trên (phó bề trên thì gọi là “Ả”). Về pháp luật, chúng ta chỉ còn được vài bản văn, chẳng hạn như các chỉ thị của Đức Cha Feliciano Alonso (Cha Chính Phê) từ năm 1791-1836 (x. Thư các Đấng Bề Trên truyền cho các chị em nhà Mụ, trong: Lề Luật Nhà Mụ, Nữ tu Đa Minh B.C, Tam Hiệp, Biên Hòa, 12/02/1972, tr. 20-36), và bản luật do đức cha Bernabé Garcia Cezon (Đức Thầy Khang) in vào năm 1865 tại Phú Nhai (x. Lề luật riêng các chị em dòng thứ Ba ông thánh Duminhgô, trong: Lề Luật Nhà Mụ, Nữ tu Đa Minh B.C, Tam Hiệp, Biên Hòa, 12/02/1972, tr. 1-19).
2/ Vì không được hưởng quy chế của nữ tu, các bà phước chỉ có lời khấn đơn hay khấn tư. Từ năm 1900, Đức Giáo hoàng Lêô XIII nhìn nhận cho các Hội dòng với lời khấn đơn (Congregationes) cũng được hưởng quy chế tu sĩ. Điều này được lặp lại trong Bộ Giáo Luật 1917. Dựa theo chiều hướng đó, Công đồng các Giám mục Đông Dương (họp tại Hà Nội năm 1934) muốn cải tổ các nhà phước Mến Thánh Giá (MTG) và Đa Minh (TOP), thành Hội dòng với ba lời khấn. Trước đây, mỗi nhà phước là một đơn vị biệt lập, tùy thuộc cha xứ hay đức giám mục. Công cuộc cải tổ nhằm tập trung tất cả các nhà phước thành một Hội dòng, dưới sự điều khiển của một Bề trên Tổng quyền.
Công đồng Đông Dương. Liber I. De personis et officiis. Caput VI, De religiosis. Art.IV. De Amatricibus Crucis tertiariisque Dominicanis saecularibus in communi viventibus. (Nn.104-110).
N.104. Sau khi đã khen ngợi công lao của những phụ nữ đã giữ trinh khiết và khổ hạnh, công đồng muốn cho họ du nhập “vita regularis” (đời sống có Tu luật) và tuyên khấn theo như Đấng Sáng lập dòng Mến Thánh Gía đã mong ước (x. Instructio SCPF ad Del. Apost. 2 ian.1929). Vì thế công đồng muốn cho mỗi giáo phận quy tụ các cộng đồng nhà phước thành “congregatio dioecesana” (dòng giáo phận), với một nhà tập duy nhất. Trong giai đoạn đầu, việc huấn luyện các tập sinh và nữ tu được trao cho các người Âu đang làm việc tại chỗ.
N.109. Việc đào tạo hướng tới công tác dạy học (đặc biệt là dạy giáo lý cho nữ giới, x. số 119) và điều khiển các trạm phát thuốc.
Trong khi chờ đợi cải tổ, các nhà phước được đồng hóa với societas sine votis (hội không có lời khấn) (CIC 673-687). Từ nay sẽ không gọi là moniales, monasteria (đan sĩ, đan viện) nhưng là sorores (nữ tu) nếu có lời khấn, và piae aut religiosae feminae (các bà đạo đức) nếu không có lời khấn.
Công cuộc cải tổ tiến hành chậm chạp. Riêng đối với các chị Đa Minh, hội dòng cải tổ đầu tiên được Tòa Thánh ban phép thành lập ngày 21/3/1951 là các nữ tu Đa Minh Bùi Chu, thánh hiệu Catarina Siena. Cuộc di cư 1954 đã làm đình trệ việc cải tổ trong các địa phận khác. Vào miền Nam, theo ước muốn của Tòa Thánh, ngoài Hội dòng Đa Minh Bùi Chu đi cư vào Nam, các đấng bản quyền đã thiết lập một hội dòng mới cho tất cả các địa phận di cư tại Thánh Tâm, Hố Nai ngày 21/1/1958, với thánh hiệu thánh Catarina Siena. Tiếc rằng dự án đó không thành tựu, bởi vì sau đó nảy sinh các Hội dòng Rosa Lima (với ba miền Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng) và Hội dòng Mân Côi (Lạng Sơn).
Dù sao, bài này muốn viết về “giai đọan đầu tiên” chứ không phải “giai đọan cuối cùng” của các nữ tu Đa Minh Việt Nam.
Để kết thúc, xin ghi lại vài con số thống kê số các nhà phước và các dì phước trước năm 1954, dựa theo các bản tường trình của các Giám mục gửi lên Bộ Truyền Giáo (Cuatro siglos de evangelización, Madrid 1987, tr. 421).
Năm | Số nhà phước | Số dì phước |
1764 | 12 nhà TOP | |
1804 | 15 nhà TOP (và 3 nhà MTG) | |
1852 | 20 nhà TOP (và 3 nhà MTG) | 556 |
1854 | 20 nhà TOP (và 3 nhà MTG) | 567 |
1856 | 20 nhà TOP (và 3 nhà MTG) | 589 |
1857 | 20 nhà TOP (và 3 nhà MTG) | 593 |
Vào năm 1857, cơn lốc bắt đạo đã triệt hạ tất cả các nhà phước, bắt buộc các chị phải tản mác.
Sau các cơn bắt đạo, các chị chỉnh đốn hàng ngũ mau lẹ như các bản thống kê cho thấy (với số nhà và dì phước trong mỗi địa phận).
Lưu ý:
1/ Từ năm 1936, địa phận Bùi Chu được phân đôi thành Bùi Chu và Thái Bình: Bùi Chu giao cho hàng giáo sĩ bản quốc, Dòng Đa Minh chỉ còn phụ trách địa phận Thái Bình. Từ năm 1913 một mảnh của địa phận Bắc Ninh được cắt ra để lập địa phận Lạng Sơn và trao cho tỉnh dòng Lyon phụ trách. Đó là lý do của những lỗ hổng trong các bản tường trình của tỉnh dòng Mân Côi Philippin, cũng như những thay đổi nhân số trong các địa phận gốc.
2/ Tài liệu lấy từ Correo Sino-anamita các năm 1874, 1878, 1879, 1886, 1887, 1888, 1891, 1892, 1894, 1902, 1903, 1905, 1907, 1908, 1910, 1911, 1913, 1914, 1916. – Analecta SOP 1937-38; 1939-40.
Bài này trích từ Phan Tấn Thành, Tìm hiểu Dòng Đa Minh, Học Viện Đa Minh, 2013, tr. 492-503.
Sưu tầm
(Từ trang Đa Minh Tam Hiệp)
Bình luận