Tin mừng: Ga 14, 23 -29
23 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. 24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. 25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. 26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. 27 “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. 28 Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. 29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”
Suy niệm
Sự bình an của Chúa Kitô biến đổi nhận thức của chúng ta
Chúa Nhật thứ VI Phục sinh hôm nay theo Tin mừng thánh Gioan 14, 23-29 mang đến cho chúng ta một trong những lời hứa tuyệt vời nhất của Chúa Giêsu: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng” (Ga 14, 27). Những lời này, không chỉ có ý nghĩa và quan trọng với các môn đệ thời Chúa Giêsu, mà vẫn còn rất cần thiết đối với mỗi người chúng ta ngày hôm nay.
Thật vậy, ngày nay, khi thế giới ngập tràn những bất ổn từ chiến tranh, chia rẽ, hận thù đến những nỗi lo lắng, bận tâm trong cuộc sống, thì lời hứa về bình an của Chúa Giêsu ngày nào càng trở nên vô cùng quan trọng. Nhưng Chúa Giêsu đang nói đến sự bình an không như thế gian vẫn hình dung; không phải là sự im lặng mong manh giữ những cơn bão, hay là sự dửng dưng của người không còn muốn đấu tranh; đó cũng không phải là sự rút lui khỏi thực tại, mà là một sức mạnh nội tại sâu xa và có khả năng biến đổi mọi thứ.
Nguồn gốc của sự bình an ấy chính là sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong mỗi người có niềm tin. Chúa phán: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở lại trong người ấy” (Ga 14, 23). Điều này cho thấy Thiên Chúa không là Đấng ở xa, mà là Đấng ở cùng và ở trong chúng ta. Sự hiện diện ấy không trừu tượng, mà cụ thể và sinh động qua Chúa Thánh Thần – Đấng Bảo Trợ – Đấng dạy dỗ và nhắc nhở chúng ta sống đúng theo lời của Chúa Giêsu. Trong một thế giới đầy thông tin nhưng thiếu sự thật và thiếu sự khôn ngoan, chính Thánh Thần sẽ giúp ta phân định điều gì là thật và giúp ta sống theo tiếng nói của Chúa, chứ không bị cuốn trôi theo bề nổi phù du của thế gian.
Bên cạnh đó, sự bình an của Chúa Kitô còn biến đổi nhận thức chúng ta về thực tại. Nó không loại bỏ hoàn toàn khó khăn, nhưng nó cho chúng ta khả năng đối mặt với chúng theo một góc nhìn mới. Khi chúng ta để cho Chúa ngự trong tâm hồn, các ưu tiên sẽ được sắp xếp lại, những lo âu, những điều từng làm ta sợ hãi mất dần sức mạnh và chúng ta có thể nhìn xa hơn những gì trước mắt.
Bình an của Chúa không khiến ta thụ động hay an phận. Ngược lại, nó thúc đẩy ta hành động yêu thương, xây dựng và hàn gắn những vỡ vụn cuộc đời. Sống trong bình an của Chúa, tức là dấn thân vào việc làm cho thế giới này công bằng, yêu thương và hiệp nhất hơn. Trong gia đình, nơi làm việc, ngoài xã hội, chúng ta được mời gọi trở thành những người kiến tạo hòa bình, ngay cả khi điều đó đòi hỏi sự hy sinh.
Thách thức đối với chúng ta ngày nay là chào đón sự bình an này như một món quà, tạo ra không gian tĩnh lặng và cầu nguyện, nơi Thiên Chúa có thể nói với trái tim chúng ta và trở thành chứng nhân của hòa bình trong một thế giới đang chạy theo những ảo ảnh của sự yên bình. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể trải nghiệm lời hứa của Chúa Giêsu: “Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi” (Ga 14, 27), không phải như một lối thoát thực tại, mà là một sự hiện diện can đảm trong thực tại, được hỗ trợ bởi Đấng đã biến chúng ta thành nơi cư ngụ của Người.
M. Assunta Hoa