“Hãy luôn hy vọng” là ước nguyện mà đoàn C20 chúng tôi muốn mang tới cho các bệnh nhân nơi bệnh viện dã chiến số 1 tại quận 7. Với mong ước góp chút sức lực của mình cho mọi người, cho xã hội tại thời điểm mà dịch bệnh lây lan và số ca nhiễm mỗi ngày mỗi tăng, chúng tôi đã cùng bước ra khỏi nơi an toàn của cộng đoàn nhà dòng để phục vụ Chúa nơi tha nhân, đặc biệt nơi các bệnh nhân đang nhiễm Covid, và để mình cảm nhận hơn lời tâm huyết của Thánh Phaolô: “Tôi trở nên mọi sự cho mọi người hầu cứu độ tất cả” (1 Cor. 9:22); và “những gì bạn làm, hoặc lời nói hay việc làm, bạn hãy làm với danh nghĩa Chúa Giêsu, Chúa chúng ta” (Col. 3:17).
Nhìn vào những trang thiết bị được chuẩn bị ở bệnh viện dã chiến số 1, tôi mới thấy thấm hơn ý nghĩa của hai từ “dã chiến,” mà trước đây tôi từng thắc mắc: Sao người ta có thể xây dựng bệnh viện chỉ trong vài ngày? Bởi ở bệnh viện dã chiến mà tôi đang phục vụ, số trang thiết bị y tế hạn hẹp, một số Oxy được lấy sẵn từ bình lớn gắn liền vào tường, số còn lại là các bình Oxy lưu động được mang tới mỗi ngày để thay cho bệnh nhân.
Có lẽ, rất nhiều người đã thắc mắc “những tu sĩ không có chút kiến thức chuyên môn gì về y tế như chúng tôi, sẽ làm được gì trong các bệnh viện dã chiến?” Hôm nay, tôi xin mạo muội kể cho các bạn nghe và tôi biết những gì tôi viết ở đây cũng không thể lột tả hết được những chân thực của cuộc sống của những con người đang sống và phục vụ tại các bệnh viện dã chiến.
Công việc thường ngày mà các tu sĩ thiện nguyện chúng tôi làm mỗi khi vào ca là phải trang bị cho mình được an toàn không để bị lây nhiễm. Thế nên với những bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, chúng tôi chỉ có thể di chuyển như những con rô-bốt, nhưng chúng tôi khác với rô-bốt vì chúng tôi mang trong mình một trái tim yêu thương và tinh thần phục vụ của Thầy Giêsu. Sau khi đã mặc quần áo bảo hộ kín mít, chúng tôi đi vào khu vực dành cho các bệnh nhân nặng để chăm sóc cho họ. Đối với các bệnh nhân còn khỏe thì họ có thể tự chăm sóc và ăn uống được nên không cần đến sự chăm sóc của chúng tôi. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới các bệnh nhân không có người thân chăm sóc để khi họ cần gì thì giúp cho họ. Từ việc ăn uống, thay tã, gội đầu, cắt tóc, đấm bóp, vỗ lưng để giúp tăng SPO2, chúng tôi đều có thể làm một cách chuyên nghiệp và không quản ngại việc gì. Việc khó khăn nhất với các nữ tu chúng tôi là việc thay đổi hoặc chuyển bình Oxy cho bệnh nhân. Nhiều lúc cũng may mắn, khi gặp những bạn dân quân tinh ý thì các bạn ấy sẽ giúp chúng tôi trong khâu này, nhưng ngặt nỗi đâu phải lúc nào cũng có người giúp nhất là khi ca trực đêm, số người trực ít hơn vì phải thay nhau tranh thủ ngả lưng. Mặc dù vậy, nhưng khi cần làm chúng tôi đều có thể làm một cách thành thạo và chuyên nghiệp. Bởi lẽ, nếu không chuyên nghiệp và nếu việc thay bình Oxy không nhanh sẽ làm cho bệnh nhân rơi vào nguy hiểm. Cho dù đa phần đoàn chúng tôi là nữ nhưng mọi người đều có thể đảm nhận được việc vận chuyển hay thay những bình Oxy khi bệnh nhân cần.
Càng dấn thân phục vụ, tôi càng thấm thía hơn những gì tôi đã nghe và đọc rằng: “Thiên Chúa không thua lòng quảng đại của con người. Nếu chúng ta rộng tay làm phúc cho Chúa hay những người cần đến sự giúp đỡ của chúng ta với lòng mến, thì chắc chắn Chúa sẽ trả ơn gấp bội.” Bởi vì trong khi chúng tôi phục vụ các bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến, thì đã có bao người ngày đêm thầm lặng phục vụ và chuẩn bị cho chúng tôi những bữa ăn ngon, những nhu yếu phẩm và những trang thiết bị cần thiết, nhằm giúp chúng tôi phòng tránh được sự lây lan của dịch bệnh. Khi đi phục vụ bệnh nhân, chúng tôi đều cảm nghiệm rõ hơn một sự mong manh yếu đuối của phận người, nếu không có bàn tay yêu thương bao bọc và gìn giữ của Thiên Chúa và Mẹ Maria. Những nhu yếu phẩm như nước sát khuẩn, nước muối, khẩu trang N95, v.v… mà chúng tôi nhận được từ các mạnh thường quân, hay từ các hội dòng và từ các toà giám mục, gửi tới như một liệu trình giúp chúng tôi kháng lại sự lây nhiễm của cơn dịch để an tâm phục vụ hơn. Những gì tôi và đoàn chúng chúng tôi đã nhận được từ ngày đi thiện nguyện đến giờ giúp cho tôi thêm xác tín rằng, khi mình quảng đại cho đi và sẵn sàng phục vụ thì Chúa sẽ cho lại ngoài sức tưởng của mình. Tạ ơn Thiên Chúa vì việc Chúa đã làm cho chúng con, xin Chúa chúc lành và trả công cho bao người đang thầm lặng chung tay đóng góp những “đồng xu nhỏ” cho Nước Trời.
Một điều mà có lẽ ai trong chúng tôi cũng mong không phải làm tới, đó là, khi có bệnh nhân nào đó qua đời cần tắm hoặc lau xác. Bởi trong cái không gian của bệnh viện với tiếng máy thở, tiếng bình Oxy, tiếng than khóc của người nhà bệnh nhân làm cho “cảnh người đi kẻ ở” thêm đau xót. Chính vì lẽ đó, chúng tôi không chỉ là những người chăm sóc bệnh nhân mà còn trở thành những nhà tâm lý “bất đắc dĩ,” để an ủi động viên những người nhà của bệnh nhân khi họ qua đời, hoặc chỉ để lắng nghe bệnh nhân than thở về những cơn đau hay nỗi nhớ nhà nhớ con, hoặc lắng nghe họ kể chuyện gia đình con cái để cho họ quên đi những cơn đau hành hạ. Thậm chí nhiều lúc chúng tôi không cần phải nói gì, mà chỉ cần đứng bên cạnh vỗ nhẹ vào vai để bệnh nhân cảm nhận được sự hiện diện của chúng tôi mà an tâm hơn, như thế cũng là đủ với họ rồi. Vì có lần kia khi tôi đứng bên cạnh một bệnh nhân đã trở nặng và vỗ nhẹ bên sườn chú, tôi nhìn thấy trong mắt chú lúc đó giọt nước mắt lưng tròng. Dù khi đó chú đã mệt và không nghe được gì, nhưng nhìn vào mắt chú, tôi biết là chú đã cảm nhận được sự hiện diện của tôi. Sau đó tôi còn được biết vợ chồng chú không có con và cả hai đều bị nhiễm bệnh.
Chúng tôi biết rằng khả năng và sức lực của mình cũng giới hạn, nhưng chúng tôi luôn mang trong mình một niềm tin và niềm hy vọng. Tin rằng sự hiện diện của chúng tôi đang góp phần làm cho bệnh dịch bị đẩy lui và thắp lên niềm hy vọng cho những người mà chúng tôi gặp gỡ nơi bệnh viện dã chiến này. Ước mong rằng chút men mà chúng tôi gửi nơi đây sẽ làm dậy nên vị mặn nồng, ngọt ngào của tình thương sẻ chia nơi những người khác và trong lòng mỗi người hôm nay khi dịch bệnh qua đi, như Đấng đáng kính Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận trong sách “Đường Hy Vọng” số 962 đã viết:
Con người hy vọng để sống, để tiếp tục sống. Con người sẽ quay về với ai có thể mang lại cho họ niềm hy vọng lớn lao nhất:
Niềm hy vọng ấy, Chúa Giêsu đã quả quyết: “Ta đến cho thế gian sống và sung mãn.”
Niềm hy vọng ấy, Chúa ban qua tay Mẹ Maria: “Nguồn hy vọng của chúng con.”
Maria Goretti Nho Be
(Bài viết được góp nhặt tranh thủ sau giờ nghỉ mỗi khi tan ca)