Malala Yousafzai, người đã đoạt giải Noel Hoà Bình năm 2014, khi mới 17 tuổi đã có câu nói bất hủ: “One child, one teacher, one book and one pen can change the world. Education is the only solution – Một đứa trẻ, một người thầy, một cuốn sách và một chiếc bút, có thể thay đổi cả thế giới. Giáo dục là con đường duy nhất.” Tôi cũng muốn thay đổi thế giới, ít là thế giới của tôi, bao gồm những con người tôi đang và sẽ phục vụ trong sứ vụ riêng của người nữ tu Đa Minh, bằng con đường tri thức.
Sứ vụ đó đã dẫn bước tôi đến với đất nước Hoa Kỳ, và giờ đây tôi đang chuẩn bị cho năm học mới tại trường Đại học thánh Gioan (St. John’s University) tại New York. Nói đến New York, người ta nghĩ ngay đến thành phố với những đại lộ thời trang cao cấp, trung tâm thương mại thế giới với những toà nhà chọc trời, tượng Nữ Thần Tự Do, Quảng trường Thời đại và phố Wall – một thế giới thu nhỏ với hàng ngàn tổ chức tài chính, sàn giao dịch chứng khoán, bảo hiểm, và ngân hàng. Nơi đây còn là thành phố của nhiều các viện bảo tàng. Nổi bật là bảo tàng The Met (Metropolitan Museum of Art), một trong những viện bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới với hơn hai triệu vật phẩm nghệ thuật thuộc nhiều bộ sưu tập đẹp nhất thế giới phương Tây, từ những tác phẩm của các nghệ sĩ bậc thầy Châu Âu đến những gian phòng triển lãm các nền văn minh cổ đại Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, bên cạnh những kho tàng nghệ thuật đến từ châu Á và châu Phi, v.v… Trụ sở chính của Liên Hợp Quốc cũng được đặt tại đây. New York cũng là nơi có mật độ dân số đông đúc, chi phí đắt đỏ, hệ thống tàu điện ngầm hoạt động 24/7, và những trường đại học có danh tiếng.
Được sống, làm việc, hay du lịch tại New York là ước mơ của nhiều người, trong đó không có tôi. Ấy thế mà, cuối cùng tôi lại xin được học bổng tại đây. Nói theo con mắt đức tin thì chính Chúa đã thu xếp và định liệu cho tôi theo kế hoạch riêng của Ngài. Về phần tôi, tôi chỉ còn biết tin tưởng, phó thác, và cố gắng hết sức theo khả năng của tôi. Phần còn lại tôi trao cho Ngài.
Đầu năm học mới, các trường đại học tại Hoa Kỳ không có ngày khai trường như Việt Nam, nhưng có các buổi định hướng (orientation) cho học sinh năm thứ nhất. Chương trình định hướng có thể kéo dài từ một đến năm ngày, tuỳ trường học. Có trường chỉ có vỏn vẹn mấy tiếng đồng hồ. Buổi định hướng là cơ hội cho sinh viên và gia đình làm quen với cơ sở trường học, các nguồn lực và cơ hội tại trường, để giúp sinh viên bắt đầu hành trình lĩnh hội tri thức một cách hiệu quả nhất. Sinh viên cũng có thể gặp gỡ với các giáo sư và nhân viên trong ngành học của mình. Đây cũng là cơ hội các sinh viên mới làm quen với các bạn cùng trang lứa và cùng chuyên ngành. Lên đến chương trình Thạc sỹ, cho dù là sinh năm nhất, thì buổi orientation cũng không còn bắt buộc. Vì thế, tôi không nhận được thông báo về buổi định hướng và cứ thế bước ngay vào chương trình học của mình, không tiếng trống trường, không cờ hoa phấp phới, không hát quốc ca, cũng chẳng có văn nghệ chào mừng, hoặc những bài phát biểu của thầy hiệu trưởng. Tuy nhiên, trước buổi học đầu tiên, cũng như tất cả sinh viên khác, tôi được gặp vị giáo sư cố vấn của mình (advisor) để định hướng lấy lớp và lên kế hoạch cho chương trình học cho đến khi tốt nghiệp.
Trường tôi học là trường của các Cha dòng Vinh Sơn. Trường được thành lập năm 1870, năm nay là năm học thứ 154, đón chào các sinh viên đến từ 45 tiểu bang và thuộc 121 quốc gia. Sự đa dạng về ngôn ngữ và sắc tộc giúp tôi có cơ hội tiếp xúc, học hỏi và giao lưu với nhiều nền văn hoá trên thế giới. Tôi phải thừa nhận rằng, nước Hoa Kỳ hào phóng hơn tôi tưởng. Đại đa số các tu sĩ, chủng sinh, và linh mục đang tu học tại đây đều nhờ phần lớn vào các chương trình học bổng của các trường đại học Công Giáo. Một số đông các Hội dòng nữ Hoa Kỳ đang quảng đại giúp đỡ các nữ tu Việt Nam du học về chỗ ở, phương tiện đi lại, học bổng, và các nhu cầu cần thiết khác một cách vô vị lợi.
Trong các lớp học, thật hiếm khi tôi gặp được sinh viên Việt Nam khác. Nếu có sinh viên đến từ Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, hay Nhật Bản thì đã quý lắm rồi. Đất nước Hoa Kỳ tôn trọng sự đa dạng, nhưng ẩn đằng sau đó vẫn có những phân biệt chủng tộc được núp dưới ngôn ngữ mỹ miều “tôn trọng.” Bạn không phải là người bản địa và tiếng Anh của bạn cũng chưa chuẩn sẽ là điều bất lợi trong học tập nhất là trong việc học nhóm. Bạn bè trong lớp có thể “tôn trọng” bạn đến nỗi cũng không muốn nói chuyện, hoặc chung nhóm với bạn, vì sợ ảnh hưởng đến kết quả học tập của họ. Bạn lại là nữ tu ư? Hằng ngày bạn mặc tu phục đi học, bạn là sự khác biệt. Bạn bè sẽ ngại tiếp xúc với bạn vì họ không biết phải cư xử với bạn thế nào, sợ động chạm tới những vấn đề nhạy cảm.Thế là họ nửa tò mò, nửa xa lánh. Người nữ tu ấy phải làm gì?
Một mặt phải cố gắng trau dồi tiếng Anh để bắt kịp bài học, và tìm mọi cách để hoàn thành các bài tập đúng hạn; mặt khác, phải cố gắng hoà nhập với môi trường học. Cùng nhận một bài tập về nhà, dù là viết luận, hoặc đơn giản là đọc sách, các sinh viên Mỹ có thể chỉ cần một đến hai giờ, trong khi đó bạn phải dành năm đến sáu giờ hoặc nhiều hơn. Họ có thể đọc một lần là hiểu ngay, trong khi bạn còn phải đọc đi đọc lại, tra từ hoặc tìm thêm các nguồn khác để hỗ trợ. Có những khi phải làm bài thi trên lớp, tim bạn như muốn nhảy ra khỏi nồng ngực vì áp lực về thời gian và vốn liếng tiếng Anh còn hạn hẹp. Những lần thi và làm bài cuối kỳ đầy căng thẳng, đèn nhà chầu và đèn bên tượng Đức Mẹ cũng như thánh Giuse lúc nào cũng sáng. Cái vòng tuần hoàn xuất hiện: học-cầu nguyện-học-xin ơn-học. Người nữ tu ấy phải miệt mài, kiên trì dai dẳng và bền bỉ ngày qua ngày, phải vượt lên sự rụt rè và ngại ngùng vốn có để luôn nở nụ cười chủ động làm quen, bắt chuyện, hỏi han, hoặc khiêm nhường tìm sự giúp đỡ. Con đường học hành chưa bao giờ là dễ dàng. Thật vậy, trong linh đạo Đa Minh thì học hành là khổ chế. Người nữ tu không học cho mình nhưng học cho sứ vụ phục vụ tha nhân. Cũng chính vì tha nhân mà cố gắng và phải luôn nhắc nhở mình rằng: tôi không học một mình nhưng học với Giêsu. Rồi giáo sư và bạn bè cũng sẽ dần nhận ra sự cố gắng của bạn. Họ cũng sẽ nhìn thấy ở bạn phản chiếu một thứ ánh sáng mang tên phó thác và hy vọng.
Tôi chưa biết tôi sẽ thay đổi thế giới như thế nào nhưng tôi biết con đường học hành đã thay đổi thế giới của tôi. Tôi nhìn rõ hơn tình thương và lòng nhân hậu Chúa đang ấp ủ đời tôi. Tôi nhìn ra biết bao tấm lòng quảng đại dành cho tôi vì sứ mạng chung của Giáo Hội. Tôi nhìn thấy một thế giới đa dạng về màu da, sắc tộc, ngôn ngữ, và văn hoá đang cùng nhau tiến về phía trước. Và đến lượt tôi, tôi cũng muốn thắp sáng tình yêu và niềm hy vọng cho những người tôi gặp gỡ, bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất bằng nụ cười thân thiện, câu thăm hỏi ân cần, và sự tử tế. Như lời Sơ Thea Bowman, một nữ tu dòng Phanxico kiêm giáo sư Văn học Anh, đã nói: “I think the difference between me and some people is that I’m content to do my little bit. Sometimes people think they have to do big things in order to make change. But if each one would light a candle, we’d have a tremendous light. – Tôi nghĩ rằng sự khác biệt giữa tôi và một số người, đó là, tôi vui lòng làm những điều nhỏ bé. Đôi khi người ta nghĩ rằng phải làm những điều lớn lao thì mới tạo ra sự thay đổi. Nhưng nếu mỗi người chỉ cần thắp cây nến của mình thì chúng ta sẽ có ánh sáng huy hoàng rực rỡ rồi.”
Nt. Trần Phương