Khổ giá virus corona: Mang Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu đến cho thế giới
Thuốc giải độc duy nhất cho nỗi sợ hãi là niềm tin, và cách chắc chắn nhất để xây dựng và củng cố niềm tin là cầu nguyện.
Người ta thường nói rằng với Chúa, không có gì thực sự là trùng hợp cách ngẫu nhiên. Cũng thế, sự bùng nổ đại dịch Covid-19 toàn cầu diễn ra cùng lúc với việc cử hành Tuần Thánh năm nay sẽ khiến cho nhiều người Công giáo phải suy nghĩ nghiêm túc về ý nghĩa của sự trùng hợp bất ngờ giữa hai sự kiện này.
Cũng dễ hiểu khi phản ứng ban đầu của người Công giáo Hoa Kỳ được định hình bởi tràn ngập những hình ảnh quấy động của con virus corona thống trị trên các bản tin và mạng xã hội của các nước khác trong nhiều tuần lễ.
Hình ảnh đáng sợ này bây giờ gắn liền với các trải nghiệm trực tiếp về các ca lây nhiễm ở đây, các kệ hàng trống không ở siêu thị và việc không ngừng gia tăng lệnh ngưng hoạt động hàng loạt các sự kiện cộng đồng và nơi làm việc – bao gồm cả việc hủy bỏ các Thánh lễ cộng đồng trên gần hết đất nước – tất cả được áp dụng để làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh.
Bức ảnh Đức Giáo hoàng Phanxicô đứng trước Quảng trường Thánh Phêrô hoang vắng, được đăng trên trang nhất của tờ Register, có thể được xem là một ví dụ điển hình gợi lên cho thấy tình hình hiện nay não nề đến mức nào.
Nhưng, nếu trong buổi đọc Kinh Truyền Tin, quả là lạnh lẽo khi phép lành của Đức Giáo hoàng Phanxicô – ban phước cho thành Roma mà lại không có một bóng người hiện diện trước mặt ngài, thì điều này cũng lại đem đến sự an ủi lạ thường. Lời cầu nguyện vẫn vang lên. Thiên Chúa vẫn ở cùng chúng ta.
Niềm hy vọng của Kitô hữu luôn đặt ở nơi Chúa, nhưng như ta nhớ lại trong suốt Tuần Thánh, niềm hy vọng này đã không nảy sinh trong bối cảnh thư thái và an toàn. Nó nảy sinh từ cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết của Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã chuộc chúng ta bằng những đau khổ tột cùng nơi cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập giá tại đồi Gôngôtha, bị bỏ rơi và gần như hoàn toàn cô độc.
Nhưng từ những điều giống như thảm họa, đã đâm chồi vinh quang Phục Sinh, và đây là lý do khiến ta hy vọng ngay lúc này và cả mai sau.
Niềm hy vọng này không bao giờ có thể bị lung lay bởi bất kỳ căn bệnh thể lý nào, ngay cả dịch bệnh covid-19 nghiêm trọng hiện nay. Là tín hữu, trách nhiệm đặc biệt của chúng ta là biểu lộ niềm hy vọng này cho nhiều người khác trong một xã hội đang bị tục hóa – là những người thiếu niềm tin, có thể bị cuốn vào nỗi tuyệt vọng do sự lây lan của con virus corona gây ra.
Nhưng bởi vì niềm hy vọng chỉ là một trong ba nhân đức đối thần của Kitô giáo, nên các giáo sĩ và giáo dân Công giáo đều được mời gọi phục vụ như là những ngọn đèn của đức ái và đức tin để đối mặt với cuộc khủng hoảng virus corona.
Quả thật, việc làm chứng như thế đã được thể hiện vô số lần trước đây trong đời sống 2000 năm qua của Giáo hội, qua tấm gương thuyết phục của những người Công giáo như Thánh Carôlô Bôrômêô, khi đối diện với một dịch bệnh chết người bao trùm Tổng giáo phận Milan của ngài vào thế kỷ 16, ngài đã từ chối chạy trốn khỏi thành phố theo sự hướng dẫn của chính quyền dân sự. Thay vì làm như thế, Đức Hồng y Bôrômêô đã can đảm ở lại để chăn dắt đàn chiên của mình, cả về tinh thần lẫn thể chất.
Trong đề tài này của tờ Register, có những bài phóng sự kể về việc người Công giáo Hoa Kỳ đang phục vụ anh chị em túng quẫn của mình.
Về mặt hỗ trợ từ thiện, các giáo phận và giáo xứ, các cơ quan Công giáo và các dòng tu đang phối hợp một loạt các sáng kiến để tiến hành giúp đỡ. Các bác sĩ, y tá, giáo sĩ, nữ tu và các nhân viên tiền tuyến Công giáo khác cũng đang nỗ lực cách anh dũng, ngay cả khi gặp rủi ro về tính mạng, để chăm sóc cho những người bị virus tấn công mạnh nhất.
Từng người Công giáo cũng có thể thực hiện vai trò của mình, qua hai cách, gián tiếp bằng cách đóng góp tiền của hỗ trợ cho những nỗ lực trên, và trực tiếp là đến giúp những người lân cận đang khốn khổ để hỗ trợ họ bất cứ khi nào có thể được.
Tuy nhiên, có lẽ sự trợ giúp lớn hơn cả chính là hỗ trợ về mặt đức tin. Vào một thời điểm khủng hoảng khác của đất nước, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt đã nổi tiếng với nhận định, “Điều duy nhất chúng ta phải sợ, đó là sợ chính nỗi sợ của mình.”
Khi nói chuyện với cả nước trong thời kỳ tăm tối của cuộc Đại Khủng hoảng, ngài Roosevelt đã không gạt bỏ những nỗi lo sợ chính đáng mà hầu hết người Mỹ sau đó đều chia sẻ về tương lai kinh tế của họ.
Thay vào đó, ông đã chỉ ra rằng những nỗi sợ cụ thể có thể được giải quyết theo một số cách, chẳng hạn như đưa ra các chính sách chung hợp lý và nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc. Điều cần phải vượt qua chính là những thứ khiến cho người ta tê liệt bởi nỗi tuyệt vọng tràn ngập và phổ biến, khiến người ta không còn hy vọng và do đó cướp đi tinh thần cần có để có thể quy tụ lại mà đối phó với nghịch cảnh.
Thuốc giải độc duy nhất cho nỗi sợ hãi là niềm tin, và cách chắc chắn nhất để xây dựng và củng cố niềm tin là cầu nguyện. Người Công giáo biết rằng hình thức cầu nguyện cao quý nhất là cử hành Bí tích Thánh Thể, vì đây “là cội nguồn và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu”, theo Công đồng Vaticanô II.
Với các Thánh lễ cộng đồng bị đình chỉ ở rất nhiều nơi và nhiều tín hữu không thể đến dự lễ ngay cả ở những nơi Thánh lễ chưa bị đình chỉ, vấn đề này đã được trang Register đưa ra cái nhìn sâu sắc về những gì có thể được thực hiện để những lời cầu nguyện của chúng ta đạt được hiệu quả tối đa trong tình cảnh lúc này. Những phương thế ấy bao gồm việc xem Thánh lễ qua truyền hình, thường xuyên rước lễ thiêng liêng, củng cố Giáo hội tại gia, thông qua các công cụ như lần chuỗi Mân côi và đọc kinh Phụng vụ trong gia đình, và ngay cả tham gia các buổi cầu nguyện cộng đồng bên ngoài bệnh viện hoặc ngoài trời để hỗ trợ các bệnh nhân và cư dân đang trong trình trạng cách ly tại những nơi này.
Cuộc phỏng vấn Giám đốc Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức đã giải thích cách hùng hồn rằng, ngay cả khi sự lây lan của virus corona đã buộc phải đóng cửa đền thánh, nhưng nơi đây vẫn là “lá phổi cầu nguyện của thế giới”, khi nơi này vẫn nài xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria trong thời gian đau khổ và nguy hiểm này.
Gần 2000 năm trước đây, Chúa Giêsu đã vào thành Jerusalem lần cuối cùng trong Tuần Thánh, để vác lấy cây thập giá thay cho toàn thể nhân loại. Gần hết chặng đường thương khó, khi sức lực trần gian của Chúa cạn kiệt, ông Simon thành Cyrinê đã bước tới để giúp Ngài một vai mang lấy sức nặng của thập giá cứu độ.
Ngày nay, khi thập giá virus corona đang đè nặng trên nhiều người bằng nhiều cách khác nhau, gây đau đớn cho cả Kitô hữu và người ngoài Kitô giáo, thì bây giờ đến lượt mình, chúng ta cố gắng phục vụ như ông Simon thành Cyrinê ngày xưa, bằng cách mang niềm tin, hy vọng và tình yêu của Chúa Giêsu trao tặng cho người khác trong thời điểm đầy thử thách này.
BBT Ncregister / Trần Hùng chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG
https://tgpsaigon.net/