Trở về nhà là mong ước của mỗi người trẻ khi việc học tập gặp áp lực, công việc gặp khó khăn, hay đôi khi chỉ là thấy bản thân mệt mỏi, không còn đủ sức, đủ nhiệt tâm để làm tròn bổn phận. Về nhà, về với cha mẹ, với anh chị em và với người thân của mình, ta tìm thấy bình an, tìm thấy niềm vui và, nơi đó trái tim ta được làm mới lại bởi tình yêu chân thành. Vì thế, sự trở về thường là tự nguyện, nhưng đôi khi, lời mời gọi trở về nhà được cất lên qua tiếng gọi của người cha sau bao ngày người con đi xa:
– Con ơi, dịp hè này, giáo phận tổ chức khoá “huấn luyện Giáo lý viên nâng cao”, con đăng kí tham dự nhé! Sẽ rất thú vị và bổ ích đó.
Và như một ngọn nến đang nghiêng ngả trước gió, chỉ cần một bàn tay che chắn nhẹ nhàng cũng đã giúp nó bừng sáng trở lại. Chỉ cần một lời mời gọi thân thương, ta sẵn sàng lên đường trở về để kiếm tìm bình an, để làm mới lại trái tim của mình.
Mỗi chúng ta cũng thế, dù ở cương vị hay bậc sống nào, ta cũng không bao giờ có thể khẳng định hay chắc chắn được rằng: trái tim ta sẽ mãi mãi đập rộn ràng, luôn luôn tràn đầy nhiệt huyết trong sứ mạng và trách nhiệm như những ngày đầu trên con đường mình chọn. Trái tim cũng có những lúc mệt mỏi, cũng có những phút giây chệch nhịp, những giây phút mà tưởng chừng như không còn sự sống. Với người Giáo lý viên cũng vậy, trái tim đập chậm dần vì đôi khi ta cảm thấy mình thật kém cỏi, thấy kiến thức của mình không đủ để có thể giúp cho các em học sinh vững vàng hơn trên con đường đức tin. Nhịp đập chậm dần khi những niềm vui khác cũng tìm cách để chen chân, lấn chỗ chiếm dần niềm vui của sứ mạng giới thiệu Chúa cho các em thiếu nhi. Và những yếu đuối của chính bản thân cũng làm cho mình không còn đủ tình yêu để có thể sẵn sàng hy sinh thời gian, sức lực và tâm trí vì sứ mạng cao quý đó, v.v. Vậy làm thế nào để trái tim mỗi người Giáo lý viên chúng ta được làm mới lại sau những ngày tháng nó không còn đập rộn ràng như thủa mới bắt đầu với Sứ mạng của người Giáo lý viên?
Như người cha, người mẹ luôn hiểu rõ con của mình như thế nào, đang trong tình trạng ra sao. Đức Cha Giáo phận và quý Cha, quý Dì, quý Thầy, cách riêng là Cha đặc trách Giáo lý giáo phận cũng lo lắng và mong muốn cho con cái của mình – những Giáo lý viên được triển nở trong sứ mạng mà họ đã lãnh nhận. Vậy nên các ngài đã quy tụ đoàn Giáo Lý viên giáo phận về “ngôi nhà chung” trong mùa hè này. Chính từ nơi đây, chúng ta có thể tìm thấy tình yêu, tìm thấy ở nơi đó những “chất liệu” để làm mới lại trái tim của mình qua các giờ học tập và sinh hoạt.
Làm sao ta có thể tìm thấy tình yêu nơi những con người mới chỉ lần đầu gặp mặt? Hay chỉ trong bốn ngày gặp gỡ ngắn ngủi, ta có thể lấp đầy trái tim bằng những mảnh ghép tình yêu mới? Thưa, đó chính là sự hy sinh, nhiệt tâm, hết lòng của Cha đặc trách, quý Thầy, quý Dì trong ban giảng huấn, ban ẩm thực và đặc biệt sự hy sinh của các anh, chị, cô, chú giáo lý viên lớn tuổi, hay thậm chí là sự hy sinh nhỏ bé của mỗi giáo lý viên trẻ chúng ta, đã làm nổi bật nên tình yêu đó. Kì nghỉ hè, khoảng thời gian để mỗi người được nghỉ ngơi, “xả stress” nhưng từng người chúng ta đã hy sinh để biến nó thành “kì nghỉ cho Chúa” bằng những cách thức khác nhau, nhưng chung một tình yêu, chung một thao thức giới thiệu Chúa cho người khác. Cha đặc trách, dù rất bận với công việc mục vụ ở giáo xứ, nhưng ngài luôn cố gắng dành nhiều thời gian nhất có thể để đồng hành cùng những người con – những người Cha đặt trọn hy vọng. Quý Cha, quý Thầy, quý Dì trong ban Giáo lý đã hy sinh thời gian, dành hết tâm huyết, sức lực và luôn đồng hành trong từng bữa ăn, từng giờ học, từng buổi sinh hoạt… Chưa từng quen biết, chưa từng gặp mặt, nhưng ta lại có thể nhận ra tình yêu thương tràn đầy trong đó. Mỗi tham dự viên chắc chắn sẽ cảm nhận được sự ấm áp, sự quan tâm, lo lắng mà chỉ nơi gia đình ta mới có thể đón nhận được. Và khi đó, trái tim đang lệch nhịp, đang cạn dần nhiệt huyết của chúng ta được gắn thêm những mảnh ghép tình yêu mới qua những việc làm và cử chỉ ấy. Ta có thể tìm thấy tình yêu nơi sự hy sinh lớn lao của các anh chị Giáo lý viên lớn tuổi, đó cũng chính là động lực để trái tim của ta trở nên mới mẻ hơn. Nếu không được gặp, ta sẽ không thể tưởng tượng được, những con người với biết bao công việc, những lo toan về con cái và những khó khăn của gia đình bủa vây cùng với lo lắng sợ sự chênh lệch về tuổi tác sẽ khiến mình bị bỏ lại sau giới trẻ. Nhưng không. Trái tim nhiệt huyết đã giúp các anh chị sẵn sàng gạt tất cả sang một bên để đặt công việc của Chúa lên trên hết. Qua đó, ta mới thấy sự hy sinh nhỏ bé của chính mình, là từ bỏ những khoảng thời gian rảnh, từ bỏ những thời giờ ngồi lướt facebook, zalo, những buổi “café tám chuyện” với bạn bè không tài nào sánh được…
“Chất liệu” đó, ta có thể tìm thấy ở đâu – thứ “chất liệu” để trái tim ta có thể được làm mới lại? Mỗi chúng ta có thể tìm thấy nơi các tiết học mà khoá Huấn luyện mang lại. Mỗi tiết học, giúp ta hoàn thiện hơn về bản thân mình. Chúng ta được bồi dưỡng thêm kiến thức về Kinh Thánh, vì chúng ta không thể cho điều ta không có. Chỉ khi ta thực sự trưởng thành về đức tin, ta mới có thể lan toả đức tin đó cho các học sinh của mình. Không những thế, ta còn được bồi dưỡng thêm về cách có thể giúp ta giảng dạy giáo lý tốt hơn qua việc hiểu được tâm lý của các em, biết cách ứng xử với các em tốt hơn, và phương pháp giúp cho những giờ dạy giáo lý của ta không bị khô khan, chán ngắt, mà trở nên mới mẻ, thu hút hơn. Những buổi sinh hoạt ngoại khoá, sự nhiệt huyết của các bạn giáo lý viên trẻ, tinh thần đồng đội, tình thương mến, đỡ nâng nhau cũng làm cho ta cảm thấy được tràn đầy sức sống hơn, và đặc biệt ẩn sâu bên trong là những bài học về việc xây dựng nước Chúa được gói gọn trong đó.
Mỗi người trẻ chúng ta phải cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc, vì chúng ta được trở về nhà, được về với gia đình thiêng liêng để đón nhận những hồng ân cách nhưng không. Khoá huấn luyện Giáo lý viên nâng cao khép lại, ta trở về với trái tim đã được những mảnh ghép tình yêu mới gắn kết lại. Trái tim ta trở nên mới mẻ hơn, đập rộn ràng hơn vì xác quyết lại được sứ mạng cao cả của mình. Cánh đồng truyền giáo không chỉ cần những tu sĩ dấn thân, mà chính bản thân ta – người Giáo lý viên của Chúa cũng được mời gọi tham gia vào cánh đồng đó. Từ những trái tim đã được làm mới, Thiên Chúa mong muốn mỗi người hãy làm mới lại chính con người mình để qua đời sống chúng ta, các em thiếu nhi mỗi ngày sẽ đến gần với Chúa hơn bên cạnh việc giúp em vững mạnh hơn trong đức tin qua việc giảng dạy.
M. Madalena Đinh Hạnh, Thỉnh sinh