Một mùa giáng sinh nữa đang về, trong những ngày này, khắp nơi từ thành phố đến nông thôn từ các trung tâm thương mại đến các gia đình công giáo đều đã bắt đầu tưng bừng không khí của ngày đại lễ Noel. Những ánh đèn lấp lánh, cây thông và các họa tiết trang trí đã nói lên sự sốt sắng, phấn khởi, hân hoan hướng đến ngày ấy.
Năm nay, dịch Covid19 kéo dài làm đảo lộn cuộc sống, gây ra không biết bao khó khăn nhưng điều ấy không làm giảm lòng mến Chúa nơi mỗi kitô hữu, điều này được thể hiện rõ nhất nơi các em thiếu nhi. Mặc dù đang trong kì thi nhưng bé nào cũng đang chuẩn bị những tâm tình dâng Chúa Hài Đồng và tất bật làm hang đá hay những món quà ý nghĩa để tặng những người mà mình yêu quý.
Quả thật, 2021 là một năm đặc biệt, năm có biết bao biến động về dân số thế giới, cũng như con dân đất Việt. Năm nay, có lẽ sẽ ít có những hang đá đắt tiền hay những nơi tổ chức sầm uất, rầm rộ với số lượng người đông đảo để đón mừng Chúa Giáng Sinh, nhưng thay vào đó là sự chững lại với khoảng thời trầm lắng hơn. Sự khác biệt ấy có làm Chúa buồn không? Đứng trước thực trạng như hiện nay chắc hẳn mỗi người đều đặt ra câu hỏi liệu năm nay Giáng Sinh sẽ ra sao? Sự thường cứ đến mùa này là ai nấy đều bị cuốn theo dòng chảy nhộn nhịp của không khí Giáng Sinh, từ giáo dân cho đến giáo sĩ có khi cả Đức Giám Mục cũng bị cuốn theo. Trong một bài viết của Đức Cha Bùi Tuần đã chia sẻ: “Khắp nơi đang bận rộn đón mừng lễ Chúa Giáng sinh. Tôi cũng bận rộn theo. Chính trong tình trạng đó, Đức Mẹ nhắn nhủ tôi một điều quan trọng, đó là: Các con đừng để ý đến việc đón mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Nhưng hãy để ý đến việc đón Chúa Giáng Sinh vào tâm hồn mình”[i].
Thật vậy, Chúa nói: “Nước tôi không thuộc thế gian này” [ii], nước của Thiên Chúa là nước của sự vinh quang chiến thắng chứ không đơn thuần là sự bóng bẩy hào nhoáng bên ngoài. Chúa muốn làm vua tâm hồn bất tử mỗi người, chứ không phải làm chủ của những vật chất mau qua chóng hết ấy. Như hang đá năm xưa, nơi hang máng cỏ bò lừa mang một ý nghĩa cao đẹp về sự ra đời giữa nơi hoang tàn của Chúa Giêsu, Đấng xoá tội trần gian. Phúc cho ai được chiêm ngưỡng giờ khắc linh thiêng ấy! Cho đến ngày nay hang đá Giáng Sinh vẫn mang nguyên những ý nghĩa cao đẹp đó. Nhưng dường như ngày nay họ không còn chú ý đến ý nghĩa ấy nữa, mà bận tâm tới những gì là bên ngoài nhiều hơn. Chính cách trang trí hang đá đã nói lên điều ấy, người ta thường hay trang trí hang đá thành nơi lộng lẫy với đủ thứ ánh sáng màu sắc sặc sỡ và hết sức phong phú đa dạng. Cách trang trí ấy phần nào phản ánh não trạng của con người thời nay: họ khó chấp nhận cái thiếu thốn, cái nghèo hèn, cái mà gọi là không xứng với phẩm vị chức tước thì sẽ khó lòng có thể đón nhận, điều này càng thể hiện rõ nơi người có chức có quyền.
Giáng Sinh không chỉ là dịp chúng ta mừng kỉ niệm Con Chúa đến hiện diện với con người nhưng còn là dịp để mỗi người chúng ta nhìn lại tương quan và lối sống của mình với Thiên Chúa, rà soát lại Ngôi nhà thiêng liêng năng động mà Chúa là chủ tể. Điều này lại càng có ý nghĩa hơn với những ai bước trên con đường dâng hiến.
Thực vậy, hoàn toàn vì tình yêu mà Chúa Giêsu đến và việc Ngài đến không phải để được ở trong hang đá hoành tráng này hay nghèo hèn, nhưng là để được ở trong tâm hồn mỗi người. Vì muốn cho con người nhận biết sự thật, ánh sáng và chân lý mà Ngài muốn vào lòng từng người. Nghĩa là bằng chính đời sống qua sự khiêm hạ, sự khó nghèo, những đớn đau, những tiếng khóc và cả nước mắt của Ngài, tình yêu của Ngài. Ngài đã bỏ ngai trời để xuống làm người phàm với ước mong hết sức khiêm tốn là những kẻ đón Ngài cũng hãy noi gương bắt trước chia sẻ sự khiêm hạ, sự khó nghèo và những đớn đau của Ngài, nhất là sống tình huynh đệ bác ái ngay trong môi trường mình đang sống. Dẫu biết để làm được điều đó không phải là điều dễ, cần có ơn của Ngài và nó là cả một quá trình, nhưng ít nhất nếu không làm được một hang đá khiêm nhường, thì cũng cố gắng góp nhặt những cọng rơm “bác ái” để đón chờ Chúa đến từng ngày điều đó cũng phần nào xua tan đi cái lạnh của đêm ấy.
Có rất nhiều chất liệu làm hang đá để đón Chúa: đá, vỏ bao, bạt, tăm, bông… nhưng thiết nghĩ dù bằng bất cứ chất liệu nào thì hang đá đó cũng phải có tính bền vững là lòng trông cậy, tin tưởng phó thác, bất chấp những khó khăn trong cuộc sống cụ thể giữa thời Covid này hay sự quyết tâm trung tín theo Ngài. Nơi hang đá đó trải thảm cỏ “khiêm nhường”, với máng “dấn thân”, đan xen những cọng rơm “bác ái’, có như thế thì Chúa mới vui thích ngự nơi đó. Ước mong mỗi người đều biết tận dụng thời gian dịch bệnh để sống chậm mà suy nghĩ, thiết kế nên hang đá bền vững nhất, đẹp nhất xứng đáng để đón chào Vua Trời đến ở với chúng ta.
Hồng Soi, Hv
[i] http://ubdkcgvn.org.vn/vi/suy-tu-chia-se/thien-tam-ma-chua-muon-o81E01291.html
[ii] Ga 18, 33b-37