Tin mừng: Mc 4, 35 – 41
35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!”36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.40 Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”
Suy niệm:
“SAO NHÁT THẾ? LÀM SAO MÀ ANH EM VẪN CHƯA CÓ LÒNG TIN?”
Hoang mang, lo sợ là điều hết sức tự nhiên và rất thường tình của kiếp nhân sinh. Ai trong đời mà không có những phút giây, những khoảnh khắc chao đảo, hoảng loạn trước những sóng gió của cuộc đời, nhất là trước sự nguy hiểm cho tính mạng, khi cái chết cận kề. Trong Tin mừng hôm nay, Thánh sử Mác-cô cho chúng ta thấy một tình trạng hoảng loạn “rất con người” của các Tông đồ, khi các ông gặp cuồng phong bão tố giữa biển khơi và lời quở trách của Chúa Giê-su vì sự nhát đảm và kém tin của các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Vậy có gì liên quan giữa sự nhát đảm và lòng tin?
Sự nhát đảm
Đối với con mắt người đời, lời quở trách của Đức Giê-su xem ra có hơi vô tình, khi các Tông đồ đang phải chiến đấu với cơn bão táp còn Người thì vẫn ngủ. Trước sức mạnh của thiên nhiên, con người cảm thấy nhỏ bé và bất lực. Các Tông đồ cũng không ngoại lệ. Lênh đênh giữa biển khơi, trời lại xế chiều, một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước, các ông hoảng sợ cũng là điều dễ hiểu. Có lẽ trong lòng các Tông đồ không khỏi có những thắc mắc: sao Chúa lại có thể bình thản nằm ngủ khi mà sự nguy hiểm đang xảy ra? Sao Chúa không cùng các ông chiến đấu, vật lộn với cơn bão táp? Các ông gọi Chúa dậy kèm theo sự trách cứ: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”
Lời trách cứ của các môn đệ cho thấy lòng các ông đang hoảng sợ, rối bời trước cái chết cận kề. Chúa Giê-su đã làm cho các ông ngỡ ngàng khi “Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ” (C.39). Sau phép lạ Chúa làm, sự hoảng sợ của các Tông đồ chuyển sang một trạng thái khác, hoảng sợ vì uy quyền của Đức Giê-su: “Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”
Lòng tin
Lòng tin là cảm thức đến từ bên trong của một người và nó vô hình, là sự tin tưởng, tin cậy vào một người nào đó hay một điều gì đó mà ta không trông thấy được nhưng ta tin là như vậy hay sẽ xảy ra như ta nghĩ. Trong Tin mừng, nhiều lần Đức Giê-su đã cất lời khen ngợi những người có lòng tin mạnh mẽ (x. Lc 7, 9; Mt 15, 28). Còn trong Tin mừng hôm nay, sau phép lạ là lời quở trách của Chúa Giê-su đối với các môn đệ, những người đã luôn theo sát Đức Giê-su: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”
Đối với con người thì thật khó để có thể tin khi mạng sống đang bị đe dọa, như trong hoàn cảnh của các Tông đồ. Nhưng Chúa lại trách các ông là “vẫn chưa có lòng tin”. Chúa đòi nơi các ông, những con người xác thịt yếu đuối, một lòng tin mạnh mẽ, một thứ lòng tin không còn ở cấp độ của sự xác tín thầm kín bên trong nhưng phải được biểu lộ ra bên ngoài bằng thái độ sống, bằng hành động cụ thể. Sóng gió nổi lên như một phép thử về lòng tin cho các Tông đồ. Các ông theo Chúa, nghe Người giảng dạy, chứng kiến bao phép lạ Người đã làm, thế nhưng những lời giảng dạy của Thầy, những điều các ông đã chứng kiến chưa trở thành cuộc sống của các ông, chưa được biểu lộ bằng những hành động cụ thể. Lòng tin của các ông vẫn còn nông nổi, hời hợt, còn yếu đuối và kém tin, nên các ông chưa nhận ra quyền năng của Chúa, chưa tin rằng “Đối với Thiên Chúa, không gì là không thể làm được” (Lc 1, 37).
Bấy nhiêu đủ để chúng ta nhận thấy mối liên hệ giữa sự nhát đảm và lòng tin trong đời sống siêu nhiên. Còn nhát đảm, sợ hãi nghĩa là còn chưa tin hoặc lòng tin chưa đủ mạnh, chưa đủ sâu sắc. Tin đồng nghĩa với việc trao phó hoàn toàn cuộc sống và vận mạng của chúng ta cho Chúa, Đấng cầm quyền sinh tử, Đấng ban sự sống và là Chủ của sự sống.
Hình ảnh của các Tông đồ trong Tin mừng hôm nay cũng là cũng là hình ảnh của mỗi chúng ta. Trước những khổ đau hay bão tố cuộc đời, có đôi lúc tưởng chừng như Chúa bỏ rơi, Chúa quên lãng chúng ta. Có khi những thử thách làm chúng ta mất niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta kêu trách Chúa. Qua trình thuật hôm nay, chúng ta cần xác tín một điều là Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Chúa vẫn luôn bên ta, vẫn bao bọc chở che chúng ta dù chúng ta có ý thức hay không. Chúa luôn cùng với chúng ta chiến đấu để vượt qua sóng gió cuộc đời miễn là chúng ta tin tưởng vào Ngài và cầu xin Ngài giúp sức. Những khó khăn, bão tố là cách Chúa giúp chúng ta tôi luyện sự trưởng thành trong đức tin.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn là những con người yếu đuối và lòng tin dễ bị lung lay, vì vậy, chúng ta cần không ngừng xin Chúa gia tăng lòng tin cho chúng ta. Ước gì lời cầu xin tha thiết của các Tông đồ xưa cũng là lời mà chúng ta hằng thưa lên với Chúa: “Con tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của con” (Mc 9, 24).
Cecilia Tuyết Đặng