“Đó là một món quà mà nhờ đó tôi có thể làm mọi thứ tôi yêu thích. Tôi là Nữ tu của Đức Maria – Tôi đã rời bỏ nha khoa để trở thành Nữ tu của Đức Maria. Sau đó tôi quay lại với nó. Và bây giờ tôi làm truyền thông xã hội, điều giống sở thích của tôi hơn”. Đây là cách Sơ M. Paula Blum tóm tắt cuộc đời của sơ, một nữ tu trên con đường trở thành nha sĩ.
Trong một cuộc phỏng vấn của Vatican News, Sơ M. Paula đã giải thích cách sơ thực hiện sứ mệnh trong các lĩnh vực công việc khác nhau này.
Sơ nhớ lại: “Khi tôi 11 tuổi, tôi quyết định muốn trở thành nha sĩ”. Trước khi vào Tu hội các Nữ tu Schoenstatt Đức Maria, Sơ M. Paula Blum đã học nha khoa được ba năm. Sơ biết đến các Nữ tu Schoenstatt qua công việc các nữ tu thực hiện với Phong trào Schoenstatt, đặc biệt là với giới trẻ và gia đình. Sơ cảm thấy được kêu gọi theo lối sống này và tưởng tượng rằng sơ cũng sẽ cống hiến sự phục vụ của mình để thực hiện công việc mục vụ với Phong trào Schoenstatt.
Sơ chia sẻ: “Khi tôi gia nhập cộng đoàn, tôi không biết rằng chúng tôi là một tu hội đời” và giải thích rằng sơ không biết rằng các nữ tu cũng có thể theo đuổi các nghề nghiệp thế tục.
Các Tu hội đời là cộng đồng của những người tận hiến, những người có thể sống một mình trong thế giới và làm việc trong các lĩnh vực công việc thế tục. Sứ mệnh của họ là thánh hóa thế giới “từ bên trong tổ chức” thông qua sự hiện diện của họ giữa xã hội thế tục.
Sơ M. Paula nhớ lại, lúc đó bề trên hỏi xem sơ có muốn tiếp tục làm việc, học nha khoa không?” Sơ đã cân nhắc điều đó và trả lời: “nếu nó có thể thì em muốn.” Mặt khác, sơ cũng tự hỏi liệu mình có thể nghiên cứu thứ gì đó thông qua mạng xã hội hay không.
Sau đó sơ đi đến quyết định: “Tôi nghĩ rằng có lẽ tôi có thể làm truyền thông xã hội mà không cần chức danh. Tôi có thể làm việc, tham gia các khóa học, nhưng tôi không thể trở thành nha sĩ nếu không có bằng tốt nghiệp”.
Răng là báu vật
Sơ Paula giải thích: “Tôi biết mọi người thường ngại đến gặp nha sĩ và họ thấy thật kỳ lạ khi chúng tôi lại thích chữa răng miệng cho mọi người. Đó là những gì mọi người thường nghĩ về chúng tôi”. Tuy nhiên, sơ lại coi răng và miệng của con người là “báu vật”.
Sơ lưu ý: “Tôi biết mình phải được đào tạo bài bản để có thể chăm sóc răng miệng, giúp chúng ta nói chuyện, ăn uống và cũng có những mối quan hệ tốt, bởi vì những người không có nụ cười đẹp thường tự ti, đôi khi họ thậm chí không nói chuyện”.
Đối với Sơ M. Paula, lĩnh vực công việc này là một cách rất thiết thực để giúp mọi người cảm nghiệm giá trị và phẩm giá của chính họ. Sơ cho biết, việc giúp đỡ mọi người luôn là mong muốn của sơ. Sơ nói thêm: “Với tư cách là một nha sĩ, tôi có thể giúp nhiều người lấy lại lối sống lành mạnh, giúp đỡ để mọi người có thể ăn ngon và ăn bất cứ thứ gì họ muốn cũng như cải thiện lòng tự trọng của họ”.
Mong ước của sơ trong tương lai là “được hành nghề riêng. Làm việc tại một phòng khám với các đồng nghiệp khác và cũng giúp đỡ những người không đủ khả năng chi trả cho nha sĩ.”
Sơ Paula còn có một đam mê khác: Mạng xã hội.
Thiên Chúa phải hiện diện ở nơi mọi người hiện diện
Sơ M. Paula tiết lộ: “Khi tôi tự hỏi liệu mình có nên trở thành nữ tu hay không, tôi không muốn hỏi nữ tu trẻ, nhưng tôi đã hỏi Google về cộng đoàn các Nữ tu Đức Mẹ. Vì vậy, tôi hiểu rằng mọi người tìm kiếm câu trả lời trên internet.”
Sơ giải thích lý do tại sao sơ cảm thấy buộc phải sử dụng mạng xã hội để gần gũi với mọi người: “Tôi nghĩ rằng là một thế hệ trẻ, lớn lên cùng mạng xã hội, trong thời gian làm việc với Hi5 và Facebook, tôi luôn ý thức được rằng mọi người dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, vì tôi cũng vậy. Tôi luôn muốn ở nơi có nhiều người. Thiên Chúa phải hiện diện ở nơi con người hiện diện, nơi con người đang tìm kiếm câu trả lời.”
Sơ M. Paula bắt đầu phát triển kênh Instagram mà cộng đoàn ở Ecuador đã thành lập vào năm 2020. Sơ đã thúc đẩy các chị em của mình hợp tác tạo ra nội dung truyền cảm hứng cho cộng đồng trực tuyến. Vì vậy, tài khoản của các nữ tu (@hermanasdemariaec) đã ra đời.
Sơ thừa nhận rằng việc cân bằng thời gian giữa cuộc sống cộng đoàn, việc học ở trường đại học và mạng xã hội có thể là một thách thức. “Thời gian là thử thách lớn nhất của tôi. Tôi cảm thấy mình có một món quà, rằng tôi có thể làm mọi thứ mà tôi yêu thích. Nhưng quản lý thời gian khi bạn yêu thích tất cả những gì bạn làm là một thách thức.”
Sơ chia sẻ rằng mỗi tuần sơ chỉ có nửa ngày để làm việc trên mạng xã hội. Có những lúc điều này là không đủ. Sơ nói: “Một số học kỳ, khi việc học của tôi rất nặng, tôi phải chỉnh sửa video trên đường về nhà. Tôi về đến nhà và thấy chóng mặt, nhưng tôi đã hoàn thành video đó! Vì vậy, nó rất đòi hỏi”.
Nữ tu trên mạng xã hội
Sơ M. Paula đã chia sẻ suy nghĩ của mình về sự đóng góp đặc biệt mà các nữ tu có thể cống hiến cho thế giới truyền thông xã hội.
Sơ nói rằng một câu hỏi đã thúc đẩy sơ. “Tôi đang nghĩ rằng nếu Đức Mẹ có mặt ở đây ngày hôm nay và có mạng xã hội, bằng cách nào Mẹ có thể truyền đạt thông điệp của Con Mẹ cho thế giới này, trong thế kỷ này?”.
“Tôi nghĩ đó là sự đóng góp mà chúng ta có thể cống hiến với tư cách là một người nữ tu: đưa ra thông điệp của Thiên Chúa một cách nữ tính, giống như cách Đức Mẹ đã làm, với ngôn ngữ đó, với những giá trị đó”.
Và vì “có rất nhiều tin tức giả mạo và cũng có những hình ảnh giả mạo về phụ nữ”, Sơ. M. Paula nói thêm, “Tôi nghĩ chúng tôi cũng có sứ mệnh mang đến cho thế giới hình ảnh chân thực về phụ nữ”.
Sơ Francine-Marie Cooper, ISSM
Nguồn: https://www.vaticannews.va