GIA PHẢ ĐỨC KITÔ (Gn 49,2,8-10; Mt 1,11-17)
Niềm tin Kitô giáo vào Chúa Cứu Thế không phải là một niềm tin trừu tượng, nhưng là tin vào Một Đấng có gia phả trong lịch sử loài người, xét theo chiều kích nhân tính. Kinh Thánh gọi đó là Kế Họach Cứu Độ được thực hiện ngang qua những con người, nơi một dân tộc.
Quả thật, Đức Giêsu xét về thiên tính, Người có nguồn gốc từ đời đời, Tin Mừng Gioan viết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Xét về nhân tính, Đức Giêsu sinh ra trong một gia phả loài người: có cha, có mẹ, có một dòng dõi như bao người. Tin Mừng Mátthêu hôm nay khẳng định: “Đức Giêsu Kitô, con cháu của Đavít, con cháu của Abraham”. Cho thấy, Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa, và con của một gia đình nhân loại ngang qua một gia phả được Thiên Chúa tuyển chọn từ ngàn xưa.
Nhìn vào gia phả của Đức Giêsu, một gia phả đầy biến động đổi thay, vừa hưng thịnh nhưng cũng có lúc đầy vô vọng. Ta thấy tổ tiên của Đức Giêsu gồm những người thánh thiện như: các Tổ phụ Apraham, Isaac, và Jacob; và cả những người tội lỗi, như: Vua Đavid cướp vợ ông Uria và sát hại ông này; ông Jacop đánh lừa anh là Esau để giành gia sản của cha; bà Ta-ma, phạm tội loạn luân với bố chồng (Mt 1,3; St 38); bà Ra-kháp, là một kỹ nữ làng chơi (Mt 1,5; Gs 2); bà Ruth thuộc gốc dân ngoại (Rt 4, 12-22); và bà Bátseva, kẻ phạm tội ngoại tình với vua Đavít (Mt 1,6; 2 Sm 11).
Cũng gia phả này vừa có thời cực thịnh, như triều đại của vua David và Solomon; rồi cũng có thời cực suy, như trong thời Lưu Đày, mất đền thờ, mất đất đai, mất tất cả, thứ duy nhất còn lại là Bộ Luật Cũ. Thế nhưng, lời hứa của Thiên Chúa vẫn tiếp tục ứng nghiệm theo thời gian.
Như vậy, Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế xuất thân trong một dân tộc đầy biến động vừa ưu tuyển vừa bất trung; một gia phả với những con người vừa thánh thiện vừa tội lỗi. Người vẫn đón nhận lịch sử nguồn gốc đó một cách trân trọng, rồi Người tiếp tục thanh tẩy để trở nên xứng đáng với ơn cứu chuộc của Thiên Chúa. Bởi chưng, ơn cứu độ của Thiên Chúa ban không lệ thuộc vào điều kiện khiếm khuyết của con người.
Khi chúng ta nhìn vào gia đình mình, hẳn nhiên có những người thánh thiện, có người bình thường cũng có những người sa ngã, thất bại. Tuy nhiên chúng ta vẫn sống trong niềm hy vọng bởi ân sủng Thiên Chúa hoạt động trên những người thánh thiện và tội nhân.
Quay lạ quá khứ đời mình, ai cũng có lịch sử với những điểm tốt và bất toàn khiếm khuyết. Những điểm sáng là động lực để mỗi người phát huy. Còn những vết đen quá khứ của mình, của người khác, chúng ta cần cảm thông hoặc chữa lành cho nhau để mang tới niềm hy vọng tốt hơn. Ta nên tránh bới lông tìm vết, cũng không nên nói lời sát thương để khoét sâu thêm những nỗi đau đã thuộc về quá khứ. Tốt hơn, chúng ta hãy nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa, để rồi tránh thái độ phê phán, chỉ trích, xa lánh khi thấy lỗi lầm quá khứ của anh chị em mình.
Lm. Jos Quốc Thảo, Op