Cách cầu nguyện thứ nhất là cúi mình trước bàn thờ : dù bàn thờ tượng trưng cho Chúa Ki-tô, nhưng Chúa thật sự và đích thân hiện diện ở đó, chứ không chỉ được biểu thị mà thôi. Cầu nguyện như thế thì hợp với lời sách Giu-đi-tha : Lời kẻ khiêm nhường và hiền lành cầu khẩn luôn đẹp lòng Chúa ; người phụ nữ xứ Ca-na-an vì khiêm nhường mà được toại nguyện, người con phung phá cũng thế. Lại cũng hợp với lời : Tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, vì Lạy Chúa, trước nhan Ngài, thân con bị muôn phần khổ nhục.
Rồi Cha Thánh đứng thẳng người lên, khiêm tốn hướng về vị Thủ Lãnh của mình là Chúa Ki-tô, và cúi đầu nghĩ đến phận hèn của mình và sự cao cả của Chúa Ki-tô, nên người hiến toàn thân để tôn kính Chúa. Người cũng dạy anh em làm như vậy khi đi qua trước tượng Chúa chịu nạn, để Chúa Ki-tô, Đấng đã tự hạ vô cùng vì chúng ta, thấy chúng ta tự hạ trước uy linh Người. Cha thánh cũng truyền cho anh em phải cúi đầu như vậy để tôn kính Chúa Ba Ngôi, mỗi khi long trọng đọc “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”.
Sau đó, thánh Đa Minh đứng trước bàn thờ hoặc nơi phòng hội, quay mặt về tượng Chúa chịu nạn, đăm đắm nhìn Chúa, rồi quỳ lên quỳ xuống nhiều lần. Vì vậy, đôi khi từ sau Kinh Tối đến nửa đêm, lúc thì người đứng lên, lúc quỳ xuống như thánh Gia-cô-bê tông đồ, như người cùi trong Phúc Âm quỳ gối van xin : Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa con lành mạnh, và như thánh Tê-pha-nô, quỳ gối, lớn tiếng nguyện rằng : Xin Chúa đừng chấp họ tội này.
Thánh Đa Minh tin cậy mãnh liệt vào lòng thương xót của Chúa, nên người phó thác cho Chúa bản thân, cũng như tất cả các tội nhân và các anh em tập sinh mà người sai đi khắp nơi rao giảng. Một đôi lần, người không thể nín lặng được, nên anh em đã nghe thấy người than thở : Lạy Chúa, con kêu lên Ngài, xin đừng nỡ giả điếc làm ngơ, đừng bao giờ im hợi lặng tiếng, và người thường dùng những lời Kinh Thánh tương tự để cầu nguyện.
Có những lúc người cầu nguyện trong lòng, tuyệt nhiên không nói lời nào, và người quỳ yên lặng, đôi khi thật lâu, tâm hồn ngây ngất ; có lúc, xem diện mạo, hình như tâm trí người thấu tận trời cao, rồi thoát chốc, nét mặt trở nên tươi vui, hớn hở, và người lau những giọt lệ tuôn rơi lã chã. Người có những nguyện vọng nồng nàn như kẻ đang khát gặp suối nước trong, hoặc như lữ khách đã gần tới quê hương.
Người khoẻ mạnh và sung sức, cử động gọn gàng, lanh lẹ, khi đứng lên, lúc quỳ xuống. Người quen quỳ gối đến độ, khi đi đường, lúc vào nhà trọ sau những cuộc hành trình vất vả, và ngay cả dọc đường, khi anh em ngủ nghỉ, người lại quỳ gối cầu nguyện như thể thi hành một tài nghệ, hoặc một tác vụ riêng của mình. Nhờ gương sáng, người dạy dỗ anh em bằng việc làm hơn là bằng lời nói.
(Trích tài liệu Chín cách cầu nguyện của thánh Đa Minh).
Bình luận