Tin mừng: Mc 3, 20-35
Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được.21Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
22 Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.
23 Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được?24 Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền;25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững.26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.27 Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.
28 “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha.29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”.30 Đó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám.”
31 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra.32 Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”33 Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”34 Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”
THEO ĐỨC GIÊ-SU VÌ MỤC ĐÍCH GÌ?
Gần đây, dân chúng khắp nơi, nhất là cư dân mạng tại Việt Nam đang phát cuồng về một hiện tượng “bất đắc dĩ” mang tên “Thích Minh Tuệ”, một người vố dĩ âm thầm, bình dị đi khất thực đã 6 năm, nhưng bất chợt lại nổi đình nổi đám, thu hút sự chú ý của nhiều người khắp nơi và trở thành một “trend” khỏa lấp mọi mặt báo cùng mọi mặt trận truyền thông, mạng xã hội, nhất là dưới sự trợ giúp đắc lực của các youtuber, tiktoker, facebooker… thổi lên thành “hiện tượng mạng”1. Từ một người âm thầm buông bỏ để sống khổ hạnh, không phải do chiêu trò cũng không phải nhờ thị phi, nhưng nhờ một lối tu tập theo hình thức hạnh đầu đà, một trong 8 vạn 4 ngàn môn tu trong Giáo pháp của Đức Phật2, mà sư Thích Minh Tuệ đã thu hút nhiều người đi theo ông. Tất nhiên tự mình, sư Minh Tuệ không muốn và có lẽ cũng không thể biến mình thành một hiện tượng ngày càng “hot” như hiện nay, để rồi gần đây ông đã phải chấp nhận dừng hành trình khất thực của mình để tránh thị phi và nguy hiểm cho người khác…3
Đi nơi này nơi kia, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi người người nói tới Minh Tuệ, nhà nhà nhắc đến Minh Tuệ, người người vây quanh Minh Tuệ, đi theo ông, nói về ông và muốn tập sống theo lối sống của ông… Thậm chí cả những vật dụng trên người hay gắn với Minh Tuệ cũng trở thành những trào lưu, những “hot trend”. Trong những luồng dư luận xoay quanh hiện tượng Thích Minh Tuệ, bên cạnh nhiều luồng dư luận tích cực, cảm phục, cũng có không ít người dè bỉu, lên án hay chống đối lối tu tập của ông hay tìm cách trù dập ông. Họ khen chê đủ điều, khâm phục có mà lợi dụng cũng có… Tuy nhiên, qua những gì xảy ra nơi hiện tượng sư Minh Tuệ cũng lột tả phần nào sự khao khát thẳm sâu của con người về một sự bình an, hạnh phúc mà con người luôn khắc khoải tìm kiếm nhưng không bao giờ được thỏa mãn, nhất là trong cơ man nhiễu nhương của một cuộc sống bấp bênh, mỏng manh của kiếp nhân sinh.
Từ hiện tượng Minh Tuệ thời nay, chúng ta sẽ thấy hiểu hơn cảnh huống của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Thậm chí, nếu Chúa Giê-su sống vào thời đại của mạng xã hội như chúng ta đang sống, thì chắc chắn sẽ có một “cơn bão mạng mang tên Giê-su”, thậm chí còn đình đám và có sức “Viral” gấp nhiều lần Minh Tuệ… Quả thật, bài Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta thấy một Đức Giê-su hiện lên như một Idol của thời đại. Ngài thu hút đám đông đến nỗi không có thời giờ để ăn uống. Nhưng Ngài cũng bị bủa vây bởi cơn bão của dư luận, của đám đông đến nỗi Ngài có thể bị nuốt chửng bởi đám đông hỗn tạp ấy. Thật vậy, giữa sự hỗn mang của cơn bão dư luận và của sự bủa vây, chúng ta thấy nơi đó không thiếu những tâm hồn khao khát được lắng nghe Lời Chúa, tìm kiếm Ngài và theo Ngài để được lắng nghe và đón nhận Lời Hằng Sống; nhưng cũng không thiếu những kẻ đi theo vì tò mò hay hiếu kì, cũng chẳng thiếu những người đi theo để dò xét, để chống phá, thậm chí để lợi dụng danh tiếng của Ngài hay để vùi dập Ngài.
Điển hình như trong bài Tin Mừng, những người Pha-ri-sêu, trước những việc Chúa làm, những lời chân thật Ngài dạy, thay vì chân nhận Ngài là Đấng Mêsia, Đấng Cứu Độ, họ không những không nhìn nhận Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, nhưng còn coi Ngài không bằng một ngôn sứ, và tệ hơn họ còn cho Ngài bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và dựa thế quỷ mà làm phép lạ, nghĩa là liệt Ngài vào hàng ma quỷ. Đó là một sự xúc phạm quá nặng nề không chỉ đến Đức Giê-su, nhưng là đến Thiên Chúa, vì Chúa Giê-su chính là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, mà cụ thể như chính Chúa Chúa Giê-su phải lên tiếng và kết án họ về tội phạm đến Thánh Thần, nghĩa là cố ý và quyết tâm khước từ ơn cứu độ, cũng như cho họ một bài học về sự hợp nhất “Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền ; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững” (Mc 3, 24-25)… Thật vậy, sau khi sa ngã, Thiên Chúa đã không bỏ loài người, nhưng khởi đi từ lời hứa cứu độ, như trong bài đọc I, trích sách Sáng Thế (x. St 3,15), Thiên Chúa đã từng bước thực hiện kế hoạch cứu độ nhằm đưa con người trở lại mối hiệp thông tình yêu và sự sống với Ngài. Công trình ấy được hoàn tất nơi Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật. Thế nhưng, công trình cứu độ của Thiên Chúa lại được thực hiện một cách quá mầu nhiệm và đầy nghịch lý đến nỗi đảo lộn mọi suy nghĩ của con người. Do đó, trước một con người xem ra quá đỗi bình thường đến mức tầm thường như Giê-su, người Do Thái, nhất là giới lãnh đạo thật khó chấp nhận Ngài là Đấng Mê-si-a, nên họ tìm cách chống đối và loại trừ chính Con Thiên Chúa. Thế nhưng, chính lúc tưởng như Thiên Chúa thất bại khi bị treo lên và giết chết trên cây Thập Giá, lại là lúc chương trình cứu độ được hoàn tất và cũng là lúc con người được giao hòa với Thiên Chúa nhờ cái chết và sự phục sinh của Con Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta…
Cũng vậy, bài Tin Mừng hôm nay cũng cho ta thấy không chỉ người ngoài hay những kẻ ghét ghen Ngài lên án và chống đối, nhưng ngay người nhà của Chúa cũng cho rằng Ngài bị mất trí và đến để bắt Ngài, coi Ngài là một kẻ điên đang gây xáo trộn cuộc sống của nhiều người. Qua đó, hình ảnh một Đức Giê-su, dù nổi tiếng, dù quyền năng, dù là Chúa nhưng cũng bị bủa vây và có thể bị nghiền nát bởi đám đông, bởi dư luận và ngay cả người thân của mình. Dẫu vậy, Đức Giê-su vẫn không hề nao núng, Ngài đã chỉ ra cho người Do Thái, cũng như dư luận thấy không những chân lý về sự hợp nhất, bởi dù là Satan thì cũng không tự mình chia rẽ, cũng vậy nước nào tự chia rẽ nước đó tự sụp đổ; mà Ngài còn cho con người thấy một cái nhìn mới về cha mẹ, về anh chị em hay người nhà của Thiên Chúa, đó là những người biết “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”. Từ đó, Chúa Giê-su đã không để bị đám đông nuốt chửng hay nghiền nát, nhưng Ngài vẫn là Chúa, vẫn là Đấng Cứu Độ, luôn trung thành tuyệt đối và trọn vẹn thi hành thánh ý Chúa Cha dù có bị thử thách, dù có bị bắt bớ, thậm chí giết chết, bởi Ngài luôn ý thức sứ mạng của mình là tự hủy đến tận cùng để cứu độ con người. Chính vì thế, như thấm nhuần mầu nhiêm tự hủy của Chúa Giê-su mà thánh Phao lô, trong bài đọc II đã khẳng định những gian khó đời này chỉ là chóng qua và có giá trị để đổi mới tâm hồn mỗi người, cũng như để cứu độ và mang lại cho con người sự sống và hạnh phúc đích thực và viên mãn nhờ cái chết và sự phục sinh của Ngài: “Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời.” (2Cr 4, 16-17).
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Lời Chúa mời gọi mỗi người dò xét tâm hồn để thấy rõ hơn, với chúng ta, Đức Ki-tô là ai? Hơn nữa, chúng ta, những người Ki-tô hữu đang vây quanh Chúa để làm gì và nhằm mục đích nào, phải chăng chỉ vì một lợi ích nào đó, một nhu cầu nào đó hay chỉ vì những của ăn hư nát, vì tò mò, hiếu kì để rồi khi không được đáp ứng, chúng ta sụp đổ, từ khước và bỏ Ngài để chạy theo những Idol khác. Hay tệ hơn, chúng ta cũng giống như những người Pha-ri-sêu xưa, coi Ngài chỉ là một phù thủy, một quỷ vương hay làm phép lạ và chạy theo thị hiếu của con người? Qua đó, Lời Chúa mời gọi chúng ta ý thức mình đang theo một Đức Ki-tô chịu đóng đinh, chịu chết và sống lại để mưu cầu hạnh phúc và sự sống đích thật mà những của cải hay giá trị trần gian không thể sánh được. Từ đó, giữa một cuộc sống bấp bênh, giữa bao thế sự phù du, chúng ta biết bám lấy Chúa, biết vây quanh Chúa trong tư cách là con cái, những người biết lắng nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa, để rồi không chỉ mưu cầu hạnh phúc và ơn cứu độ cho bản thân, nhưng còn biết lan truyền Tin Mừng và ơn cứu độ đến cho mọi người trong thế giới hôm nay.
Tác giả: QL
2 x. Ibid.