Tin Mừng: Lc 1, 26-38
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
TIẾNG THƯA “XIN VÂNG”
Trong Tin mừng thánh Luca, chúng ta được dẫn vào một khoảnh khắc thiêng liêng khi Thiên thần Gabriel xuất hiện trước Đức Maria để loan báo về sự ra đời của Chúa Kitô. Đây là một câu chuyện mang lại niềm vui mừng và hy vọng cho cả nhân loại, mở ra một chuỗi sự kiện thiêng liêng mà chúng ta kính mến và tôn vinh trong đêm Giáng Sinh.
Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, có lẽ chưa có ai mạnh mẽ, can đảm và phó thác hoàn toàn như Đức Maria. Một người phụ nữ dám gác lại đời tư của mình để đi theo lối đường của Chúa, sẵn sàng lắng nghe, thi hành trọn vẹn ý định của Thiên Chúa; và trở thành máng chuyển thông ơn cứu độ cho con người.
Trước khi sứ thần của Thiên Chúa truyền tin, có lẽ Đức Maria cũng là một thiếu nữ bình thường, có những hoài bão, ước mơ và những tính toán cho tương lai của riêng mình. Thế nhưng, Thiên Chúa lại muốn vẽ những con đường trên cuộc đời Mẹ và đề nghị Mẹ bước đi trên con đường của Thiên Chúa – con đường làm Mẹ Đấng Thiên Sai: “Và này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”. Đứng trước một lời đề nghị tưởng chừng như rất ngọt ngào và hấp dẫn ấy, Mẹ bối rối, lo sợ vì sứ mạng quá lớn đối với Mẹ, như Thánh Augustinô đã nói: “Đấng các tầng trời không đủ sức chứa, lại được cưu mang nơi cung lòng một người phụ nữ”. Những khó khăn trước mắt và một tương lai phía trước đầy sóng gió. Sứ mạng quá lớn, bởi đây là lời hứa của Thiên Chúa đã có từ khi tổ tông phạm tội, dân Israel hằng mong đợi một vị cứu tinh. Mẹ Maria, một thôn nữ bình dân, một nữ tỳ hèn mọn làm sao gánh vác đây? Mẹ thấy sợ, vì Mẹ có thể gặp những rắc rối, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng, bởi dưới chế độ lề luật, làm sao có thể chấp nhận một người con gái chưa chồng mà đã có thai?… Mẹ bị giằng co giữa sự an toàn của bản thân, giữa Lề luật và thánh ý của Chúa. Nhưng sau khi được Sứ Thần giải thích, Mẹ đã can đảm thưa lời “xin vâng”: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền”.
Tiếng “xin vâng” của Mẹ đã làm nên một trang sử mới trong công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa. Đó không chỉ là lời chấp nhận để trở thành Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể, là người cưu mang Hài Nhi Giêsu nhưng còn là cách diễn tả trọn vẹn sự hiến dâng của Mẹ đối với kế hoạch của Thiên Chúa.
Tiếng “ xin vâng” như làm trào ra tất cả những thao thức và tâm trạng của Mẹ, như dòng thác lũ ào ạt tuôn chảy xô đổ những lo âu, tính toán và cả những kế hoạch riêng của cuộc đời Mẹ. Từ đây, Mẹ hoàn toàn bước theo chương trình của Chúa, mỗi bước đi của Mẹ đều là thực thi thánh ý Chúa. Chính vì thái độ khiêm nhường và vâng phục này, mà Mẹ đã được xứng đáng đặt làm Mẹ Đấng cứu thế, cũng là làm Mẹ của Thiên Chúa.
Ngày hôm nay, giữa một thế giới đang cổ võ lối sống hưởng thụ tối đa, hình ảnh của Thiên Chúa trở nên mờ nhạt, con người chỉ còn biết chính mình và coi thiên Chúa chẳng là gì đối với tiền bạc, quyền lực, danh vọng và những thú vui trần thế.
Vì thế, trong những ngày cuối của Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta nghe bài tin mừng này để một lần nữa giúp chúng ta chiêm ngắm bức chân dung dịu hiền và một trái tim trinh nguyên – nơi chứa đựng một tình yêu vô biên của Mẹ; đồng thời cũng biết noi gương Mẹ sẵn sàng lắng nghe, thực thi lời Chúa trong cuộc sống thường ngày qua mỗi bậc sống của từng người, để nhờ đó, chúng ta có đủ sức lan tỏa tình yêu thương của Chúa đến với mọi người và để cùng Mẹ cộng tác vào chương trình cứu chuộc của Chúa.
Sr. Cecilia