Chương 4: Karibu Africa
22. Vyakula
Vyakula là đồ ăn thức uống. Nhưng trong phần này tôi không tính kể cho các bạn nghe về đồ ăn thức uống ở đây đâu. Tôi sẽ kể về cách ăn uống. Khi những con người đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau, có kiểu ăn uống khác nhau, họp lại với nhau, thì vui lắm…
Buổi đầu tiên tôi đến phòng ăn, chào đón tôi là bốn người bạn đã ngồi đợi sẵn. Một người Ấn Độ, một người Ethiopia, một người Uganda, và một người Tanzania. Họ đến từ những nước khác nhau, nhưng có cùng một điểm chung, đó là ăn bốc. Bạn không nghe lộn đâu. Ăn bốc là ăn bằng tay đấy. Trực tiếp dùng tay để bốc đồ ăn cho vào miệng.
Trên bàn có 5 cái đĩa ăn. Chỉ bên cạnh đĩa của tôi là có thêm 1 con dao ăn và 1 cái nĩa. Ông bạn người Ethiopia mở lời:
– Karibu! Chào mừng ông bạn từ Châu Âu mới đến. Tự nhiên như ở nhà nhé! Chúng ta cứ theo thói quen ăn uống của mình. Đây là đĩa của ông bạn, có dao, có nĩa. Còn chúng tôi, chúng tôi ăn bằng tay đây…
Vậy là họ cho đồ ăn vào đĩa, trộn mọi thứ lại với nhau, và dùng tay bốc ăn ngon lành. Ông bạn người Tanzania quay sang, nheo nheo mắt hỏi tôi:
– Ổn chứ? Cậu có quen khi thấy người khác ăn bốc bằng tay không?
– À, không sao. Thật ra tôi cũng đã từng ăn như thế mà. Là lúc tôi còn nhỏ xíu, hồi chưa biết dùng muỗng nĩa để ăn đó…
– Nghĩa là lúc còn nhỏ cậu được ăn uống tự nhiên. Tới lúc lớn lên cái cuộc sống mới ra cồng kềnh và phức tạp vậy hả? – Ông bạn người Uganda đía vào khi nhìn thấy tôi bắt đầu cầm dao cầm nĩa.
Cả bàn ăn cùng cười. Thấy bầu khí đã bắt đầu thân thiện và cởi mở, tôi bắt đầu cà khịa lại:
– Ờ, thì cũng hơi cầu kỳ và phức tạp thật. Nhưng mà có vẻ vệ sinh hơn là ăn bốc bằng tay chứ, phải không?
– Chưa chắc! – Anh chàng người Ethiopia lý sự – Tôi hỏi cậu nhé: khi dùng dụng cụ ăn uống là muỗng hay nĩa để cho đồ ăn vào miệng, cậu có biết trước đó nó đã đi qua cái miệng của bao nhiêu người khác rồi không? Còn đây nhé! Bàn tay này là của riêng. Của ai nấy xài. Không hề chung đụng. Vậy mới gọi là vệ sinh chứ! Lại trung thành với truyền thống ăn uống đã có từ thời tổ tiên của chúng ta nữa…
– Thì đúng là muỗng nĩa xài chung, nhưng xài xong đều được rửa sạch sẽ mà – Tôi phản pháo – Còn cái tay kia, ai biết trước khi ăn ông đã dùng vào việc gì, đụng vào những chỗ nào chứ…
Anh chàng Ấn Độ giờ mới lên tiếng:
– Ế ê… trước khi ăn chúng tôi có rửa tay đàng hoàng à nha! Có đụng vào chỗ nào đi nữa thì vẫn là tay của riêng chúng tôi thôi. Ăn uống theo truyền thống của ông bà xa xưa mới thật là thoải mái làm sao… – Anh ta vừa nói vừa bốc ngay một bụm cơm cho vào miệng.
Tôi đành cười trừ vậy. Thật ra các bạn ở đây đều là những người dễ thương. Ba người trong số họ là giảng viên ở Đại Học, một người khác là giáo viên dạy cấp 2. Họ đều là dân tri thức cả đấy!
Chúng tôi bắt đầu ăn. Và mọi người bỗng phát hiện ra rằng chỉ có đĩa thức ăn của tôi là phát ra tiếng động lách cách của dao và nĩa. Ông bạn người Ethiopia lại được dịp cà khịa:
– Ây dà dà, văn hoá ăn uống hiện đại của cậu vừa cồng kềnh phức tạp lại vừa ồn ào nữa thấy không!
Thấy ông ấy nói có vẻ đúng, tôi đành cười trừ. Nhưng vẫn chưa hết chuyện. Bữa ăn hôm ấy có món đùi gà. Hình như họ đãi tôi bằng món gà chạy bộ, nên thịt đùi dai lắm. Có dùng dao cắt cỡ nào cũng không được. Ngó qua ngó lại một hồi, tôi quyết định… bỏ dao bỏ nĩa qua một bên. Hội nhập văn hoá vậy. Mà công nhận cầm đùi gà bằng tay, gặm, cảm giác thật là thoải mái và ngon lành. Anh bạn Uganda nhìn tôi rồi cười:
– Cậu thấy chưa. Đơn giản mà hiệu quả. Cồng kềnh phức tạp chi cho đời nó mệt…
Thế là kết thúc tập một của buổi ăn uống và chào đón đầu tiên.
Tập hai bắt đầu vài hôm sau, khi tôi có dịp xuống phố, ghé ngang khu chợ Tàu và mua một lúc 5 đôi đũa tre.
Vào bàn ăn, tôi dẹp qua một bên cái nĩa và con dao ăn, cầm lấy đôi đũa và bắt đầu trổ tài ăn uống. Bốn ông bạn cùng bàn trợn mắt thán phục. Ông bạn Tanzania lên tiếng trước:
– Cậu… làm xiếc à! Sao lấy được đồ ăn bằng cặp que hay thế?
Tôi được thế, cười lên mặt:
– Thật ra tui có phải là dân Châu Âu đâu. Đây mới đích thị là ăn uống theo văn hoá của tui nà. Đầy tao nhã và nghệ thuật thấy không!
Tôi vươn đôi đũa ra đĩa thức ăn ở xa nhất, gắp ngay chóc một hạt đậu phộng cho vào đĩa ông bạn bên cạnh. Cả bàn cùng vỗ tay hoan hô như vừa thấy một gánh xiếc vậy. Ông bạn người Uganda gật gù bình luận:
– Thì ra văn hoá ăn uống của cậu vừa cồng kềnh vừa phức tạp, nhưng cũng vừa tao nhã một cách đầy nghệ thuật vậy à? Chỉ tớ cách dùng đũa với…
Bấy giờ tôi mới rút ra 4 đôi đũa còn lại tặng cho mỗi người một cặp. Các bạn bắt đầu học ăn uống một cách tao nhã nghệ thuật. Sau một hồi vật lộn ngọ nguậy đủ đường, cuối cùng họ cũng thành công cho một ít thức ăn vào miệng. Ông bạn người Tanzania chép miệng:
– Nhìn thì nghệ thuật đấy, nhưng vất vả quá. Ăn kiểu này chắc tới tối mới xong…
Ông bạn người Ethiopia thì thực tế hơn khi nảy ra một sáng kiến:
– Nhìn đây, nhìn đây. Tớ sẽ ăn theo kiểu vừa cồng kềnh và phức tạp một cách nghệ thuật, lại vừa trung thành với truyền thống của cha ông mình. Được cả đôi đàng này! – Vừa nói, anh ta vừa cầm đũa ở tay phải lùa đồ ăn vào tay trái. Rồi tay trái bốc thức ăn cho thẳng vào miệng.
Ôi trời ơi, như vậy thì có gọi là hội nhập văn hoá không ta?
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024″
Nguồn: Gia An’s blog