Tin Mừng: Mt 22, 1-14
1 Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: 2 “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. 3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. 4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!” 5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, 6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. 7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. 8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. 9 Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.” 10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.
11 “Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12 mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới ?” Người ấy câm miệng không nói được gì. 13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”.
Suy niệm
LÒNG HIẾU KHÁCH CỦA VỊ VUA
Lòng hiếu khách là một nét đẹp về phẩm cách của con người. Thông thường, lòng hiếu khách khiến cho người được tiếp đón cảm thấy dễ chịu, cảm thấy có giá trị và được tôn trọng. Nó được biểu lộ bằng nhiều hình thức khác nhau từ lời mời, lời chào đến những thái độ, cử chỉ, lời nói, hành động… tùy theo mỗi thời và mỗi nền văn hóa. Trong bài Tin mừng Chúa nhật hôm nay, Thánh sử Mat-thêu cũng nói với chúng ta về phẩm cách cao đẹp này của một vị vua qua dụ ngôn tiệc cưới, trong đó, điểm nổi bật là sự kiên nhẫn và hào phóng, được thể hiện cụ thể qua hai hình ảnh: khách mời và bữa tiệc.
Khách mời
Có hai loại khách mời: khách được mời trước và khách thập phương dành cho bất cứ ai.
Với những vị khách được mời trước, Tin mừng cho chúng ta thấy có ba lần lời mời được gửi tới họ.
Trước khi tiệc cưới của con trai mình diễn ra, chắc chắn nhà vua đã phải lên danh sách và sớm gửi lời mời đến những vị khách mà vua muốn, đó là lời mời lần thứ nhất. Đối với thần dân, được nhà vua mời dự tiệc cưới hoàng tử là một vinh dự lớn lao và chắc hẳn họ phải chuẩn bị mọi thứ cho việc dự tiệc cưới này. Tuy nhiên, những vị khách trong Tin mừng hôm nay lại có những cách hành xử rất kỳ lạ, họ nại vào đủ thứ lý do để từ chối. Những bận tâm của cuộc sống đã che lấp đi khiến họ không thấy được niềm vui đang chờ đợi họ phía trước trong tiệc cưới.
Khi tiệc cưới đã sẵn sàng, nhà vua cẩn thận sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời trước như một lời nhắc nhớ, nhưng họ không chịu đến. Xem ra, nhà vua đã thất bại khi họ lần lượt từ chối hết lần này đến lần khác vì những lý do riêng. Thế nhưng vua vẫn kiên trì, nhẫn nại và nhân hậu, ông tiếp tục sai đầy tớ đi mời khách để chung chia niềm vui với gia đình ông. Tới lần mời thứ ba, quan khách không những vẫn không tới mà còn khó chịu và có những hành xử xúc phạm, nhục mạ và giết đầy tớ của vua. Nhà vua kiên nhẫn, nhân từ nhưng cũng rất công thẳng. Lần này, vua đã nổi cơn thịnh nộ liền “sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng” (c.7). Thực ra, không phải nhà vua không đủ kiên nhẫn nhưng vì quan khách là những kẻ ngoan cố không chịu đón nhận món quà tốt đẹp mà vua ban tặng, thậm chí còn trở thành sát nhân và họ đã bị trừng phạt thích đáng.
Cuối cùng thì lời mời được dành cho tất cả mọi người, không phân biệt màu da, giai cấp, không kể tốt xấu: “vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai thì mời hết vào tiệc cưới” (c.9). Đây là sự quảng đại, hào phóng và tốt bụng của nhà vua và là điểm sáng của đoạn Tin mừng mà Chúa Giêsu muốn nói với mỗi người chúng ta. Ơn cứu độ không loại trừ ai nhưng được dành cho tất cả mọi người.
Tiệc cưới
Tiệc cưới có đặc tính là vui và niềm vui tự nó có khuynh hướng muốn được chia sẻ. Vì thế, tiệc cưới là dịp để người ta gặp gỡ, vui mừng hoan hỷ, chúc mừng và chung chia niềm vui với gia chủ và với cô dâu, chú rể. Việc chia sẻ niềm vui của nhà vua với mọi người cũng được thể hiện qua việc dọn tiệc thiết đãi. Những món ăn được chuẩn bị công phu, tỉ mỉ và chắc hẳn đó sẽ là những gì ngon nhất, tốt nhất, quý giá nhất để thể hiện tình cảm và lòng yêu mến mà nhà vua dành cho khách: “Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới” (c.4).
Tiệc béo, rượu ngon đã sẵn sàng nhưng quan khách không thèm đếm xỉa đến lời mời. Họ thích những công việc thường ngày như đi thăm trại, đi buôn bán hơn là việc dự bữa tiệc cao quý và thịnh soạn đó. Từ chối dự tiệc là một sự xúc phạm nặng nề đến danh dự và cũng từ chối luôn tấm lòng quý mến, công lao khó nhọc chuẩn bị kỹ lưỡng của nhà vua.
Trở lại với bối cảnh của đoạn Tin mừng dẫn đến việc Chúa Giê-su phải dùng dụ ngôn này mà nói với các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân. Hàng ngày họ được nghe những lời giáo huấn tốt lành, chứng kiến những phép lạ và bao việc lành Chúa làm nhưng họ không chịu tin và còn lấy làm khó chịu. Vì những ghen ghét, đố kỵ, vì những bận tâm cho quyền lực và danh dự đã khiến trái tim họ chai cứng, không đón nhận được Tin mừng. Không đáp trả lời mời, đồng nghĩa với việc họ từ chối dự phần vào bữa tiệc thiên sai, và như thế cũng đồng nghĩa với việc họ mất sự sống đời đời.
Câu chuyện dụ ngôn trong Tin mừng cũng phản ánh hiện thực của chúng ta hôm nay. Rất nhiều khi chúng ta từ chối không nghe, không muốn nghe hoặc phớt lờ những điều Thiên Chúa muốn nói với chúng ta. Chúng ta được thừa hưởng những kho tàng sẵn có, được sự hướng dẫn, dạy dỗ rất ân cần của mẹ Giáo hội; được Giáo hội chăm lo chu đáo để chúng ta được hưởng một sự giáo dục đức tin tốt nhất, đầy đủ nhất nhưng chúng ta lại không biết quý trọng, thậm chí coi đó là sự phiền toái, khó chịu. Đặc biệt, lời mời gọi thiết tha hàng ngày trong tiệc Thánh Thể vẫn vang lên nhưng đôi khi chúng ta giả điếc làm ngơ, hoặc nại vào những lý do không đâu để từ chối tham dự. Những bận tâm thế sự, cơm áo gạo tiền, những lo toan kiếm tìm danh-lợi-thú cứ xoay vòng luẩn quẩn khiến tâm hồn chúng ta chẳng thể hướng lên “những sự trên cao”.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa, để dù sống giữa thế trần nhưng lòng trí vẫn tự do, thanh thoát khỏi những ràng buộc của nó, hầu có thể nhận ra những giá trị đích thực và vĩnh cửu của Nước trời. Xin Chúa giúp chúng ta trở nên những vị khách tử tế, luôn cảm thấy biết ơn vì đã được mời và sẵn sàng đáp lời Thiên Chúa qua mỗi ngày sống của chúng ta. Vì, một cách quảng đại và nhưng không, bàn tiệc Thánh Thể luôn dành cho tất cả mọi người. Và, từ bàn tiệc Thánh Thể sẽ dẫn tới bàn tiệc Thiên quốc trong vinh quang mai này. Dẫu vậy, được dự phần vào bàn tiệc Thiên quốc hay không còn tùy thuộc vào thái độ và tình trạng tâm hồn mỗi người, vì “những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít” (c.14).
Anna Đặng