Chương kết: Trở lại mà nên như trẻ nhỏ
49. Dòng Tên và trẻ em
Trong công thức khấn cuối long trọng của các tu sĩ Dòng Tên có hai điều đặc biệt. Điều thứ nhất là lời khấn vâng phục Đức Giáo Hoàng cách tuyệt đối trong những chuyện liên quan đến sứ mạng. Đã có nhiều người biết và cũng đã có rất nhiều người nói về lời khấn này. Điều thứ hai lạ và ít người biết hơn, đó là lời khấn “đặc biệt lưu tâm đến việc dạy dỗ trẻ em”, nằm ngay liền sau ba lời khấn “trọn đời sống khó nghèo, khiết tịnh, và vâng phục”.
Tại sao lại đưa việc dạy dỗ trẻ em vào trong lời khấn cuối cách long trọng?
Từ sau cuộc hoán cải của mình, Thánh Inhaxio Loyola đã chọn khởi đầu cuộc đời mới với lý tưởng sống “cho Vinh Danh Chúa hơn”. Có thể nói rằng cả cuộc đời của một người tu sĩ Dòng Tên được huấn luyện và xây dựng xoay quanh lý tưởng sống này. Thế nhưng làm sao để làm cho Vinh Danh Chúa hơn một cách cụ thể trong những hoàn cảnh sống cụ thể? Vế thứ hai trong lý tưởng sống mà Thánh Inhaxio chọn là “cứu rỗi các linh hồn”. Rồi chừng như lối nói này hãy còn trừu tượng quá, nên sau một thời gian, lý tưởng sống ấy được Thánh Inhaxio diễn tả cách cụ thể hơn nữa, là “mưu ích cho tha nhân”, “giúp đỡ những người thân cận”.
Nhưng “ai là người thân cận của tôi?”. Thắc mắc của người thông luật trong Tin Mừng dành cho Đức Giêsu có lẽ vẫn luôn có giá trị qua mọi thời. Có nhiều cách khác nhau để trả lời câu hỏi này. Những câu trả lời khác nhau sẽ mang lại những định hướng khác nhau cho những hoạt động tông đồ đa dạng của các Dòng tu khác nhau. Trong lối hiểu của Thánh Inhaxio, người thân cận của tôi là những người cần được giúp đỡ nhất cả về tinh thần lẫn thể xác, những người nghèo và bệnh nhân, đặc biệt là những người ít học và ít được giáo dục trong đức tin. Trong số đó, phải đặc biệt kể đến trẻ em.
Có lẽ Thánh Inhaxio không được biết đến như vị tông đồ của giới trẻ như Thánh Don Bosco, hoặc như một vị thánh chuyên lo việc giáo dục trẻ em như Thánh Jean-Baptiste de La Salle. Trong Dòng lịch sử, các tu sĩ Dòng Tên cũng thường xuyên được biết đến như những người tông đồ trí thức hơn là những người dấn thân làm mục vụ giới trẻ hoặc thiếu nhi. Điều này có lẽ đúng với những đặc trưng công việc và sứ mạng mà Dòng Tên được Giáo Hội trao phó. Thế nhưng trong khát mong của vị Thánh sáng lập Dòng Tên, làm “cho Vinh Danh Chúa hơn” cần phải đi liền với “giúp đỡ những người thân cận”. Một người có khả năng phục vụ Giáo Hội với chiều sâu tri thức cần phải đồng thời là một người có khả năng quan sát và chạnh lòng thương những anh chị em bé mọn nhất chung quanh mình, đặc biệt là trẻ con.
Từ khởi nguồn, Dòng Tên đã được biết đến với hệ thống các trường học chất lượng cao. Đối tượng chính được phục vụ trong các trường ấy đều là những người trẻ. Trong một lá thư hướng dẫn việc giáo dục trong các trường Dòng Tên, Thánh Inhaxio đã viết: “…de los ninos hazen los grandes”. Câu này được dịch sang tiếng Anh thật hay: “The boy is father of the man” – “Trẻ con là cha của người lớn”, “trẻ con sinh ra người lớn”. Việc giáo dục trẻ con lúc này được xem như cả một quá trình thai nghén để có thể sinh ra cho tương lai những người lớn trưởng thành. Trong viễn tượng giáo dục của thánh Inhaxiô, mọi sự đều phải bắt đầu từ cái gốc. Và cái gốc rễ của mọi con người đều bắt đầu từ thời chúng ta là trẻ con.
Trong bất cứ xã hội nào, ở bất cứ thời đại nào, trẻ em luôn là những người bé mọn nhất và dễ bị tổn thương nhất. Điều này càng đúng hơn nữa với xã hội của chúng ta hôm nay.
Từ khi vào Dòng Tên và được huấn luyện theo hướng của Dòng Tên, tôi trở thành người thích chơi với trẻ con. Đặt mình chơi với trẻ con, tôi thấy mình là tu sĩ hơn. Trẻ con dạy tôi cách sống đơn sơ và nghèo khó, dạy tôi có một trái tim khiết tịnh để yêu thương, dạy tôi cách vâng phục để đặt mình lệ thuộc.
Tôi nhớ đến những em thiếu nhi đã từng được mình chăm sóc và dạy dỗ. Tôi nhớ đến các em huynh trưởng đã từng được mình huấn luyện và hướng dẫn. Tôi không biết có ai còn nhớ đến mình không. Tôi cũng không thật sự đo lường được giá trị của những bài học mà mình đã dạy thời thơ ấu đối với việc việc xây dựng nhân cách và cuộc đời của các em… Nhưng tôi biết chắc đâu là ảnh hưởng mà các em để lại trong tôi. Sẽ không có gì là quá khi nói rằng thật ra chính các em mới là những người huấn luyện nên tôi. Các em cho tôi cơ hội để sống tình thương của một người anh. Các em giúp tôi dần định hình nơi mình cung cách của một người thầy. Nhờ các em, tôi tập nói và diễn đạt mọi sự bằng một thứ ngôn ngữ đơn giản để ai cũng có thể hiểu được. Đối diện với các em, tôi học được cách không phức tạp hoá mọi vấn đề lên theo kiểu của người lớn. Tôi tập nhìn mọi thứ bằng ánh mắt đơn sơ và trong sáng hơn. Để chơi với các em, tôi cũng tập cho mình kiên nhẫn hơn và yêu thương nhiều hơn…
Thật đáng tiếc là trong thế giới hôm nay của chúng ta, nhất là trong môi trường của Châu Âu và Châu Mỹ, không dễ gì để cho một ông Cha có thể tự nhiên chơi với trẻ con. Có lẽ các bạn hiểu tôi muốn nói đến điều gì, phải không?
Trong khu vườn cổ tích của tôi những ngày ở Châu Phi thường tràn ngập tiếng cười. Là tiếng cười của tôi, của đám trẻ con, và của cả bố mẹ bọn nhóc thỉnh thoảng cũng đến và tham gia hát hò vui chơi với chúng tôi.
Thế rồi có một hôm, tôi nhận được lời chân thành góp ý từ hai linh mục bạn. Họ là những người rất đạo đức và tốt lành. Họ nhắc nhở tôi phải cẩn trọng. Hai Cha ấy một người đến từ Mỹ và một người đến từ Châu Âu. Họ bảo rằng bây giờ mà linh mục chơi với trẻ con thì nguy hiểm lắm. Họ bảo: để cho trẻ con bu quanh mình thì cũng giống như để cho mình bị bao vây bởi những tai hoạ tiềm ẩn, chẳng biết sẽ bục phát lúc nào. Họ bảo: có khi sau này tôi sẽ bị tố tội, sẽ gặp rắc rối và phiền phức…
Tôi nhìn vào ánh mắt chân thành của hai người bạn linh mục dành cho mình. Tôi cũng nhìn vào ánh mắt trong veo của đám trẻ con đang vây quanh tôi. Rồi tôi băn khoăn tự hỏi không biết cái nguy hiểm mà những người bạn mình mường tượng nằm ở đâu?
Tôi là mối nguy hiểm dành cho những đứa trẻ này?
Những đứa trẻ này là mối nguy hiểm dành cho tôi?
Hay điều mà người ta gọi là mối nguy hiểm thật ra đang nằm trong những đầu óc vốn đã bị nhiễm bẩn và tổn thương của xã hội chúng ta ngày nay?
Có ai đó có thể giúp tôi giải gỡ nỗi niềm khúc mắc này được không?…
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog