Tin mừng: Lc 4, 1-13
1 Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. 2 Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. 3 Khi ấy quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” 4 Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”
5 Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. 6 Rồi nó nói với Người “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. 7 Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” 8 Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
9 Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi!10 Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. 11 Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” 12 Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
13 Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.
VƯỢT QUA CÁM DỖ
Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Người cũng đã trải qua thử thách, đau khổ như ta (x. Dt 2,7), và là Đấng cảm thương mọi nỗi yếu hèn của ta, Đấng ấy đã trở nên giống ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,15). Người cũng trải qua những cơn cám dỗ: Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, Người đi trong hoang địa suốt 40 ngày và chịu ma qủy cám dỗ (x. Lc 4, 1-13).
Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và hết thời gian đó thì Người thấy đói. Khi ấy quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi’ (Lc 4, 3). Ai đã từng trải qua thời gian giãn cách thì chắc chắn sẽ thấu hiểu được những nhu cầu thiết yếu của con người. Ai đã có kinh nghiệm đói, mới biết những cám dỗ “truyền cho hòn đá này hoá bánh” mãnh liệt như thế nào. Và ai đã có kinh nghiệm về nghèo, mới thấy tiền bạc thu hút con người ra sao. Khi đói, người ta mong có đủ cơm ăn; khi có đủ cơm ăn áo mặc, người ta muốn ăn ngon mặc đẹp và còn mong muốn có nhiều hơn để bảo đảm tương lai. v.v. Đây là những cám dỗ mà ai cũng gặp. Đức Giê-su một khi đã chia sẻ thân phận con người như chúng ta, Ngài cũng bị cám dỗ về cái ăn. Quỷ “khích” Người dùng quyền năng của Con Thiên Chúa để thỏa mãn những nhu cầu riêng tư, nhất là khi việc này xem ra không phương hại đến ai. Nhưng Chúa Giê-su không rơi vào bẫy của sa-tan một cách dễ dàng như chúng tưởng. Tuy Người đang đói, nhưng cơn đói không là lý do thúc đẩy Người đi tìm thỏa mãn bằng mọi cách. Người xưa thường dạy: “Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn”. Thật vậy, ăn uống là nhu cầu thiết yếu của con người nhưng nó không là mục đích của cuộc đời. Cuộc đời còn nhiều mục đích cao đẹp hơn là chuyện ăn uống như Chúa Giê-su đã nói: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4). “Không chỉ nhờ cơm bánh” có nghĩa sự sống của con người không chỉ nhờ lương thực, mà sự sống đó còn được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa. Ai yêu mến Lời Chúa, hằng suy niệm Lời Chúa đêm ngày, người đó sẽ có một sức sống dồi dào mạnh mẽ mà của ăn vật chất không thể nào đem lại. Lời nhắc nhở của Đức Giêsu ở thử thách đầu tiên giúp chúng ta xác định lại vị trí ưu tiên của nhu cầu thiêng liêng, nghĩa là lương thực cho linh hồn mới là thứ phải đặt lên hàng đầu. Điều này thật sự là một thách thức cho mọi người hôm nay khi phải sống trong một xã hội vốn đặt nặng vật chất và dục vọng lên trên hết. Chúng ta luôn có nguy cơ “đẩy Thiên Chúa ra bên cạnh” khi đứng trước những cám dỗ về vật chất và dục vọng.
Chúa Giê-su đã từ chối mưu ích cho chính mình bởi chủ đích của Người cao thượng hơn. Bấy giờ, quỷ đem Người lên cao, chỉ cho Người thấy tất cả và nói: “Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc 4,7). Với thời đại này, nhất là khi dịch bệnh vẫn đang bùng phát nghiêm trọng, và công việc mỗi ngày một khó khăn như lúc này thì một lời đề nghị quá nhẹ nhàng êm ái như thế có lẽ rất dễ dàng cám dỗ mỗi người chúng ta. Trong cuộc sống, có biết bao người vì muốn được thăng chức, nâng hạng mà đã dùng mọi cách để cầu cạnh hay bất chấp mọi thủ đoạn dù làm hại đến người khác. Ngoài ra, để thể hiện mình, họ sẵn sàng hạ người khác xuống, coi người khác là công cụ, là bàn đạp, là vật hy sinh cho mình. Họ coi những giá trị ấy cao hơn công lý và tình thương. Họ đã bị quyền lực danh vọng làm cho mờ mắt. Quyền lực là một cơn cám dỗ muôn đời của nhân loại. Hôm nay, quỷ cũng cám dỗ Chúa Giê-su, nó cho rằng mọi sự ở thế gian này nó có toàn quyền quyết định. Nhưng Thiên Chúa mới là Đấng tạo dựng mọi sự và mọi quyền lực đều bởi Người mà có. Chính vì thế, Chúa Giê-su đáp lại: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4,8). Với cám dỗ này, ma quỷ muốn biến con người trở thành nô lệ cho những tham vọng và ham mê quyền lực mà đánh mất chính mình. Việc Chúa Giê su chiến thắng cơn cám dỗ và cương quyết từ chối danh vọng quyền thế chỉ cho ta một con đường hoàn hảo và duy nhất đó là thờ phượng một mình Thiên Chúa.
Quỷ đã thất bại hết lần này đến lần khác nhưng nó không buông tha. Nó tiếp tục cám dỗ Đức Giêsu: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi” (Lc 4,9). Với tất cả sự xảo quyệt, quỷ muốn Đức Giê-su hành động như một người nô lệ, sẵn sàng phục vụ những ý định ngông cuồng và xấu xa của chúng. Ngày nay, ma quỷ thường gieo vào lòng chúng ta sự nghi ngờ về Thiên Chúa, về lòng thương xót và sự quan phòng của Ngài. Nhưng Đức Giê su đã đáp lại rằng: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4,12). Cám dỗ của ma quỷ hiểm độc vì nó tiến từng bước: Từ hạ thấp phẩm giá con người khi khiến con người làm nô lệ cho vật chất, danh vọng đến cướp mất tự do của con người khi xúi giục con người làm nô lệ cho chúng. Và sau cùng là chối bỏ Thiên Chúa, không coi Thiên Chúa là Cha. Cám dỗ càng hiểm độc vì ma quỷ đã khéo léo bọc những âm mưu thâm hiểm trong lớp vỏ nhung lụa, êm ái, hợp lý và đầy quyến rũ của những nhu cầu, quyền lực và uy tín.
Như vậy, khởi đầu Mùa Chay, khi cho chúng ta chiêm ngắm Chúa Giê-su chiến thắng những cơn cám dỗ của ma quỷ, Giáo hội mời gọi chúng ta ý thức về thân phận yếu hèn của mình mà trông cậy vào ơn Chúa để vượt thắng những cơn cám dỗ diễn ra trong cuộc sống thường ngày. Đồng thời, biết theo gương Chúa Giê-su, hãy tỉnh thức trong từng giờ từng phút, luôn biết chọn lựa giá trị vĩnh cửu hơn là những giá trị mong manh của đời này. Hãy chọn Chúa và thờ phượng Ngài hơn là chọn lợi thú trần gian. Xin Chúa Giê-su là Đấng đã chiến thắng những cơn cám dỗ giúp chúng ta học nơi Chúa để sống quy phục Thiên Chúa và thực thi theo thánh ý Ngài.
Lucia Vũ