Trong những ngày phục vụ ở bệnh viện dã chiến, tôi đã chứng kiến cảnh con cháu đưa tiễn ông bà, cha mẹ, cha mẹ tiễn đưa con cái,… Mỗi phận người là một câu chuyện và quá trình chiến đấu với bệnh tật của họ làm những người như chúng tôi khi nhìn vào đều rất cảm phục. Bao nhiêu sự chăm sóc của người thân, sự cố gắng của người bệnh đã không thể chiến thắng được dịch bệnh Covid này.
Câu chuyện về một người con trai chăm sóc ba mình suốt mấy tuần trời. Cứ mỗi lần tôi vào ca luôn nhìn thấy anh loay hoay giúp ba mình khi ông có những nhu cầu cần thiết, anh đã làm tôi rất cảm phục. Tôi thấy ông hồi phục dần dần mà thấy mừng thay cho anh, vậy mà chỉ ca trực hôm sau thôi tôi đã giật mình khi nghe tin ông đã qua đời rồi. Bản thân tôi chỉ là người nhìn thôi, nhưng tôi đã thấy được tấm lòng hiếu thảo của anh khi chăm sóc ba anh hay cách mà anh quan tâm tới những người bệnh cùng phòng. Điều ấy cho thấy anh là một người có tấm lòng thảo hiếu và thương người. Rồi sau đó tôi còn thấy anh thỉnh thoảng ghé xuống thăm những bệnh nhân cũ trong khi chờ ngày có kết quả âm tính để đi về. Khi tôi gặp anh để nói lời an ủi và chúc anh sớm có kết quả tốt đẹp để về với gia đình, tôi thấy anh đã vui vẻ trở lại và làm tôi cũng mừng theo. Niềm vui của anh còn trọn vẹn hơn khi trong buổi chiều hôm đó anh đã nhận được giấy xuất viện từ bác sĩ. Anh đã vui vẻ cầm tờ giấy đi đến khoe với mọi người như một cách chào mọi người để về. Nhìn khuôn mặt rạng ngời của anh, tôi cảm thấy anh sao giống một đứa trẻ vui mừng khi được ai đó tặng một món đồ chơi yêu thích. Tôi đến chào và chúc anh đi về bình an. Với một tấm lòng thảo hiếu như thế tôi tin rằng cuộc đời của anh sẽ luôn được hạnh phúc.
Câu chuyện khác cũng làm tôi hết sức bất ngờ. Một buổi sáng tôi vào ca trực, nhưng không thấy mẹ con chị ấy trên giường tôi cứ nghĩ là chắc họ đã chuyển viện rồi chăng. Bởi từ hôm hai mẹ con chị đến bệnh viện dã chiến này sức khỏe của bà đã rất yếu nhưng nhờ sự chăm sóc tận tình của chị mà bà đã khỏe dần lên. Tôi cũng không phải giúp chị nhiều chỉ khi nào chị cần gì thì chúng tôi mới giúp thôi. Bởi vì bà cũng đau đớn và cần được nghỉ nên chúng tôi chỉ đến nói chuyện hỏi thăm tình hình bà qua chị và động viên để chị an tâm chăm bà. Mỗi khi hỏi thăm, chị đều không giấu được niềm vui và khoe: “Hôm nay mẹ em thấy khỏe hơn, ăn được nhiều hơn,…” Nghe đến đây, tôi thấy mừng cho bà và chị. Những tưởng sự chăm sóc tận tình của chị sẽ giúp bà hồi phục nhanh chóng nhưng rồi cơn nguy kịch ập đến và đã nhanh chóng cướp đi mạng sống của bà để lại một mình chị mà tôi không hay biết. Mãi tới sáng hôm đó tôi đang đi thăm một vài bệnh nhân đã khỏe hơn ở trên khu hồi phục và khi nhìn xuống dưới sân, tôi thấy hình ảnh chị đang quỳ sụp dưới đất để lạy. Tôi hết sức ngỡ ngàng quay sang hỏi cô đang đứng một mình “mẹ của em ấy chết lúc nào vậy cô?” Cô nói: “Mới chết ngày hôm trước đấy, bà cũng đang dần khỏe rồi mà không hiểu sao đi nhanh thế”. Cô nói đến đây khiến tôi lại nghĩ đến trong Kinh thánh, Chúa nói rằng: “Giờ ấy sẽ đến bất ngờ như kẻ trộm”. Khi thấy chị vái lạy mẹ mình xong, tôi đã lặng lẽ đến bên nói lời chia buồn với em và động viên em cố gắng. Em quay sang nhìn tôi với đôi mắt ướt nói trong tiếng nấc nghẹn “bây giờ vợ chồng em thành người mồ côi rồi!!!” Qua lời thổ lộ, em cho tôi biết: em về làm dâu thì đã không có ba, nhà chồng chỉ có hai anh em nương tựa bên mẹ….giờ bà đi rồi nên chắc hẳn sẽ là nỗi mất mát và trống vắng cho em và gia đình. Mong sao mẹ em ra đi thanh thản và hiểu cho tấm lòng hiếu thảo của người con dâu như em. Còn chuyện của bố con anh T, mới sáng hôm trước anh cùng tôi đứng ngoài sân an ủi em vậy mà chỉ đêm hôm đó thôi chính anh đã phải nói lời vĩnh biệt với ba anh. Khi nhìn thấy anh lặng lẽ chuyển đồ lên lầu trên để nghỉ ngơi và chờ giấy báo tử của ba anh trong đầu tôi lại vẳng nghe tiếng anh nói với em gái hôm trước: “em ở đó đừng có đi, chờ khi nào xe họ đi rồi hãy vô để bà đi thanh thản, hãy xin bà phù hộ cho…” Tôi không biết khi ba anh ra đi có ai an ủi anh không nhưng tôi biết thời gian anh cùng ba ở tại bệnh viện này, chứng kiến bao người ra đi rồi chắc hẳn anh đã cảm thấy quen thuộc lắm. Là đàn ông có lẽ anh có sức chịu đựng hơn nên khi chia buồn anh đã có thể vui vẻ tôi thấy mừng cho anh. Cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với anh và chắc hẳn ba anh cũng sẽ phù hộ gia đình anh như những gì anh đã xin.
Nhiều câu chuyện cảm động khác nữa đã khiến tôi nhận ra một điều, đó là kiếp người sao mong manh quá. Như chiếc lá vàng đứng trước gió bị thổi bay lúc nào không hay. Dẫu biết rằng mỗi người trong chúng ta “có sinh ắt có tử” nhưng sao khi thấy phận người trong đại dịch Covid này thật bi thương, kẻ đi người ở đều quá xót xa. Như lời của một cha trong nhóm đã chia sẻ với chúng tôi rằng: “cái bệnh này kì lắm người những tưởng không thể sống được thì lại hồi phục cách nhanh chóng và như một phép màu còn những người thấy khỏe đó mà chỉ một cơn nguy kịch đến là đã cướp đi sinh mạng họ lúc nào không hay…”
Thế nên, đứng trước đại dịch này, con người chỉ biết phó thác, cậy trông vào tình thương và lòng thương xót của Thiên Chúa, bởi vì: chỉ có Ngài mới dẹp được cơn đại dịch, chỉ nơi Người mới chữa lành cho con người, chỉ nơi Người, con người mới cảm nhận được sự bình an và sự chữa lành. Xin Chúa tiếp tục giúp sức cho mỗi bệnh nhân để họ đủ sức mạnh và vượt qua cơn đại dịch.
Nt. Maria Goretti Dơn