Theo chú giải của William Barclay, sử gia Josephus nhận xét về người dân Galilê như sau: “bao giờ họ cũng thích cải cách, bản tính họ thích thay đổi và thích bạo động, họ luôn sẵn sàng theo một thủ lãnh và phát khởi một cuộc nổi dậy. Họ nổi tiếng là người nóng tính và thích cãi vã. Tuy nhiên, họ cũng là những người hào hùng nhất”.
Có lẽ vì Chúa Giê-su được sinh trưởng tại mảnh đất Galilê nên hơn ai hết Người thấu hiểu con người nơi đây. Khởi đi từ thành Nazareth rồi Capharnaum, Chúa Giê-su đi ngang qua bờ biển hồ Galilê và Người đã gọi các tông đồ đầu tiên. Chẳng mấy chốc Chúa đã tuyển chọn được 12 môn đệ. Trải qua thời gian thao luyện, giờ thì chỉ còn mười một môn đệ mà bài Tin mừng hôm nay Thánh sử Mathêu tường thuật: “Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến một ngọn núi mà Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến” (Mt 28, 16). Khi thấy Đức Giê-su, các ông bái lạy nhưng có mấy ông lại hoài nghi (Mt 28, 17). Đối với các ông, đây là một sự kiện “vô tiền khoáng hậu,” không thể tin được cho dù việc Người sẽ sống lại đã được Đức Giê-su báo trước.
Đức Giê-su khẳng định ngay với các môn đệ rằng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28, 18). Nếu như trước đây, khi Chúa Giê-su sai các ông đi thực tập sứ vụ, Người luôn căn dặn: “tốt hơn anh em hãy đến với những con chiên lạc của nhà Israel” (Mt 10, 6), và ngay cả khi người đàn bà xứ Canaan đến xin Chúa chữa cho con gái bà thì Người cũng khẳng định: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi” (Mt 15, 24). Nhưng sau khi phục sinh, Chúa Giê-su đã khẳng định, Người được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy từ nay, nẻo đường truyền giáo không còn đóng khung cho dân Israel nhưng là rộng khắp thế giới, cho mọi loài.
Trước khi về trời, Chúa Giê-su đã trao sứ mệnh truyền giáo này cho những con người Galilê hào hùng: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ mọi điều Thầy đã truyền dạy cho anh em, và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20). Lệnh truyền của Chúa Giê-su đã được các tông đồ đón nhận và truyền lại cho các thế hệ kế tiếp. Nhìn lại dòng lịch sử nước Việt nam thân yêu, chúng ta tạ ơn Chúa đã đưa các vị thừa sai tới rao giảng Tin mừng cho chúng ta. Giờ đây, đến lượt mình, chính chúng ta cũng phải trở thành nhà truyền giáo trên đường phố, nơi làng mạc và trong cuộc sống thường ngày.
Lạy Chúa, hằng ngày chúng con đều làm dấu tuyên xưng Chúa Ba Ngôi, thế nhưng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi vẫn là một mầu nhiệm xa vời trong đời sống thường ngày của chúng con. Chúng con nhân danh tình yêu Ba Ngôi nhưng lại không sống chứng nhân tình yêu. Xin Chúa giúp chúng con thấu hiểu được mầu nhiệm tình yêu mà Ba Ngôi dành cho nhau, để rồi chúng con cũng biết sống hòa hợp trong khác biệt, yêu thương và nên một trong gia đình, trong cộng đoàn. Ước mong nơi ấy sẽ chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một lòng mến và tất cả đều quy về mục đích chung là làm sáng danh Thiên Chúa Ba Ngôi.
Rosa Thu Phương