Tin mừng: Mc 5, 21-43
21 Đức Giê-su xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ.22 Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người,23 và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.”24 Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.
25 Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm,26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác.27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người.28 Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.”29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.30 Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?”31 Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: “Ai đã sờ vào tôi?”32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó.33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người.34 Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”
35 Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?”36 Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an.38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ.39 Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm.41 Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!”42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ.43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.
THIÊN CHÚA CỦA SỰ SỐNG – CON NGƯỜI KHÁT KHAO SỰ SỐNG
Đã là con người, thì ai ai cũng khao khát để mình được sống, sống khỏe mạnh, và sống vui tươi. Theo thông tin từ WHO thống kê, hàng năm trên thế giới có hơn 10 triệu người mắc ung thư và 8,2 triệu người chết vì căn bệnh này ở những quốc gia đang phát triển. Ở Việt Nam tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ước tính mỗi năm có từ 130 nghìn đến 160 nghìn trường hợp mắc mới, trong đó có khoảng 85 nghìn đến 115 nghìn người tử vong do căn bệnh này. Như vậy, số người chết vì căn bệnh này khá là nhiều1. Có rất nhiều người, dù ung thư giai đoạn 4 rồi nhưng khi lên tới viện K, chúng ta sẽ thấy người ta vẫn xếp từng hàng dài để được được chữa, được truyền hóa chất, được xạ trị…. Mục đích của họ và của chúng ta là gì nếu không phải đang khao khát để tìm kiếm sự sống?
Thiên Chúa của chúng ta là “Thiên Chúa của sự sống” vì chính Người đã nói: “Tôi đến để cho chiên Tôi được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Ngài không tạo nên sự chết, cũng chẳng vui mừng khi người sống phải chết nhưng vì ác quỷ ghen tương nên sự chết đã vào thế gian (x. Kn 1, 13-15; 2, 23-25). Như vậy, sách khôn ngoan đã khẳng định “Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất tử”.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su chữa lành người đàn bà bị bệnh băng huyết đã mười hai năm được khỏi bệnh và làm cho bé gái đã chết được sống lại. Nhưng hai phép lạ này chỉ được xảy ra khi có Đức tin. Thật vậy, Đức tin đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình tiếp cận với Chúa Giê-su.
Người đàn bà bị bệnh băng huyết đã mười hai năm. Một thời gian tương đối dài, một căn bệnh đang làm mất đi sự sống, bà đã bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang. Điều này muốn nói rằng bà thực sự bất lực với căn bệnh của mình. Nhưng khi được nghe đồn có Đức Giê-su đi ngang qua, bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo của Người thôi, là sẽ được cứu”. Tức khắc máu cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh (Mc 5,28 – 29). Quả thật, Đức tin đã chữa lành bệnh của bà. Đức tin ở đây mang tính cách “cá nhân”, mạnh mẽ và xác quyết “Tôi tin – Tôi sẽ được” và quả thật chính nơi Chúa, Chúa đã thấy một năng lực tự nơi Người phát ra. Người đàn bà được Đức Giê-su khen: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”. Như vậy để đón nhận ân sủng của Đức Giê-su, cần thiết phải có một thái độ sẵn sàng bên trong.
Nếu như Đức tin nơi người đàn bà bị bệnh băng huyết có tính cách cá nhân, thì trong câu chuyện của con gái ông trưởng hội đường tên là Giai-ia, ta thấy rõ người cha đã tin và đến xin để chữa cho con gái mình được sống lại. Như vậy, Đức tin ở đây mang chiều kính Cộng đoàn. Tình yêu của người cha dành con gái đã khiến ông can đảm đến xin Đức Giê-su đến đặt tay trên con gái mình. Có lẽ ông đã chứng kiến khá nhiều cách chữa bệnh của Đức Giê-su trên các bệnh nhân, nên khi con gái ông trong tình trạng nguy kịch, ông đã đến xin Người đặt tay lên cháu, để nó được sống. Đức tin là một hành vi cá nhân, vì đó là sự đáp trả tự do của con người với Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải. Nhưng đồng thời đó cũng là một hành vi mang tính giáo hội, tính chất này được bày tỏ trong lời tuyên xưng đức tin: “Chúng tôi tin”2. Qua người Cha mà con gái ông Giai-ia cũng được đón nhận ân sủng và chữa lành từ nơi Đức Giê-su – Đấng Hằng Sống.
Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh Chúa (x. St 1, 27), nên mỗi người Ki-tô hữu chúng ta có sứ mạng nói về Chúa, giới thiệu về Chúa cũng như sống và thực hành những điều Chúa dạy, để hình ảnh của Đức Ki-tô được tỏa sáng, lan rộng trong lòng thế giới hôm nay. Thế nhưng, thế giới mà chúng ta đang sống lại đang dần đánh mất ý thức về Thiên Chúa, nên ý thức về con người cũng bị đe dọa. Công đồng Vaticano II đã nói: “Thụ tạo mà bỏ Đấng Tạo Hóa của mình thì tiêu vong… Mà cả đến thụ tạo cũng bị u mê vây hãm, nếu nó quên Thiên Chúa”3. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Người đàn bà bị bệnh băng huyết, cũng như ông trưởng hội đường tên là Giai-ia. Cả hai, họ đã ý thức được mình chỉ thụ tạo trong tay Chúa. Và chính Chúa Giê-su đã khẳng định: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Thầy, dù kẻ ấy có chết cũng sẽ được sống và bất kỳ ai sống mà tin vào Thầy, sẽ không chết bao giờ” (Ga 11, 25 – 26). Nên sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người thì khác và tách biệt khỏi bất cứ của sinh vật nào vì con người trên trái đất là sự biểu lộ Thiên Chúa, là một dấu chỉ cho sự hiện diện của Ngài, một vết tích của vinh quang Ngài (x. Tv 8). Vì thế, dù ở bất cứ địa vị nào, làm bất cứ việc gì, sống bất cứ nơi đâu… chúng ta cũng hãy luôn sống và ý thức mình là người thuộc về Chúa, là thụ tạo trong bàn tay của Chúa và đặc biệt hãy trở thành một Ki-tô khác nơi mình đang hiện diện. Bằng cách sống ngay thẳng thật thà, không gian dối luôn quảng đại, yêu thương, bác ái đặc biệt với những người nghèo (x.2 Cr 8, 7. 9. 13-15) thì lúc đó chúng ta sẽ được sống muôn đời.
Anê Trần Thị Dung
1 x. Tạp Chí Ung Thư Việt Nam – bs Nguyễn Thị Nhung.
2 x. Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của HĐGM Việt Nam, 2011.
3 Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 36.