Chúa nhật III Phục Sinh là một Chúa nhật ý nghĩa đối với chị em khối Học viện Thánh Tôma Aquinô thuộc Hội dòng Nữ Đaminh Bùi Chu khi chị em có cơ hội được đến với các gia đình thuộc Giáo xứ Chính toà Bùi Chu.
Giáo xứ Chính toà Bùi Chu – cái tên vô cùng quen thuộc với mỗi chị em trong Hội dòng, bởi chính mảnh đất này đã góp phần dệt nên hành trình ơn gọi của từng chị em. Nhưng, có lẽ Hội dòng nói chung và chị em trong khối Học viện nói riêng chưa một lần thực sự “chạm đến từng ngôi nhà” trong giáo xứ. Tuy nhiên, với năm Mục vụ 2024 này, mang trên mình hành trang là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô: “tích cực tham gia vào đời sống Giáo Hội”, các chị em đã lên đường để một lần được “chạm” vào cuộc sống và hoàn cảnh của từng gia đình nơi mảnh đất mà mỗi thành viên trong Dòng đang sống và lớn lên từng ngày.
Đúng 7h30 sáng Chúa Nhật, bỏ lại những mệt nhọc của cả tuần lao động, học tập và cầu nguyện, 33 “con tim” đại diện cho chị em trong khối Học viện nói riêng và Hội dòng nói chung, háo hức trên những chiếc xe đạp để “thi hành sứ vụ” qua việc đến với 31 hộ gia đình thuộc Giáo xứ Chính tòa Bùi Chu.
Để lại ánh sáng tự nhiên ngoài cửa, chúng tôi bước vào ngôi nhà đầu tiên trong sự mờ ảo của chiếc bóng đèn có lẽ đã “sắp hết hạn sử dụng”. Hình ảnh người phụ nữ gầy nhom, ốm yếu đang ngồi trên chiếc ghế gỗ cũ kĩ, tay cầm cây gậy quay ra phía cửa, như chờ đợi và muốn đón ánh nắng sớm. Bà giật mình nhìn chúng tôi, mắt ánh lên vẻ tò mò. Sau một hồi trò chuyện, chúng tôi biết về bà – một bà cụ đạo đức đã ngoài 80, bà đang sống một mình trong căn nhà chật chội mà trống trải. Chúa đã gọi người chồng yêu dấu của bà về với Ngài cách đây 40 năm để lại cho bà 5 người con. Các con cũng lần lượt đi làm ăn và lập gia đình ở xa. Ở nhà chỉ còn bà và người con cả phải chạy thận hàng tuần. Dẫu thế, bà luôn là một giáo dân đạo đức và hết mình vì công việc nhà Chúa. Bà chưa từng bỏ rước lễ và luôn tham gia nhiệt tình các công việc của nhà xứ. Tuy nhiên, vì lí do nào đó, người con trai của bà không mấy vui vì điều đó và luôn tỏ thái độ mỗi khi mẹ đi lễ hoặc đến nhà thờ. Đã hai tháng nay, kể từ khi ốm, bà cũng không được rước lễ, đọc kinh hay nhắc gì đến nhà thờ. Mọi ảnh tượng trong nhà cũng vì thế mà bụi bẩn và màng nhện giăng kín. Hôm nay, chúng tôi đến, ngoài sự ngạc nhiên và cảm động, bà còn như được gỡ nút thắt trong lòng bấy lâu nay. Bà tỏ ra hạnh phúc trong hai dòng nước mắt.
Đó chỉ là một trong hơn 31 câu chuyện khác nhau về hoàn cảnh, về sự mưu sinh và cả những mong ước nhỏ bé về cuộc sống của 31 gia đình.
Người phụ nữ kia đại diện cho biết bao cảnh đời, có lẽ cả một đời họ đã “chạm” đến tột cùng của đau khổ để rồi chỉ cần một cái “chạm” nhẹ của sự chân thành, của bàn tay yêu thương đã có thể “chạm” đến trái tim và nỗi lòng của họ. Cái “chạm” đó có thể sự chia sẻ về vật chất, là lời động viên, an ủi, hay chỉ là thái độ lắng nghe cùng với sự hiện diện chân thành. Nhưng trên hết cái “chạm” mang đến niềm tin, niềm hy vọng, sự khao khát vươn lên chính là lời hứa cầu nguyện mà các chị em dành cho các gia đình.
Chuyến đi khép lại đã để lại trong mỗi chị em cảm nhận riêng tư của chính mình về cái “chạm” của những cuộc gặp gỡ. Tôma đã “chạm” và đã tin. Đấng Phục Sinh cũng đang mời gọi mỗi người cũng hãy giơ cánh tay của mình ra để “chạm” đến Ngài đang hiện diện trong hoàn cảnh của từng người và từng gia đình để gặp gỡ với Đấng là Sự Sống. Và như một luồng sáng mới mở ra, mỗi nữ tu mang sứ vụ đồng hành với họ như Đấng Phục Sinh đã đồng hành với hai môn đệ của Ngài trên đường Emau.
Bài học về sự cho đi và lãnh nhận dù diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn như những cái “chạm” nhẹ nhàng, nhưng sẽ mãi là những bài học vô giá mà những trang sách không thể đem đến cho đời phục vụ của mỗi nữ tu và trở thành những cái “chạm” mang đầy yêu thương. Ước mong, sự cho đi và lãnh nhận không chỉ diễn ra trong một thời gian hay không gian cố định, nhưng là cả hành trình theo Đấng Phục Sinh của mỗi nữ tu. Luôn biết “chạm” yêu thương.
M. Yến