Chương 7: Giữa những người tị nạn
40. Âm nhạc & những tổn thương
Trước khi đến với trại tị nạn, tôi đã từng nghĩ rằng đây sẽ là môi trường thuận lợi cho mình được gặp gỡ, được đánh động và được gợi hứng để tha hồ mà suy tư và viết lách. Tôi đã từng dự định sẽ làm một người tường thuật từng câu chuyện cụ thể của những mảnh đời đổ vỡ, những hoàn cảnh đổ vỡ, những nỗi đau và những mất mát vẫn đang diễn ra từng ngày giữa thế giới hiện đại của chúng ta. Tôi muốn trở thành tiếng nói và giọng kể cho những người không nói được và không kể lại được.
Nhưng rồi kết thúc ba ngày đầu tiên trong trại tị nạn, mọi ý tưởng và dự định ban đầu của tôi hoàn toàn thay đổi. Tôi quyết định sẽ phong ấn tất cả những gì mình được nghe. Bạn biết vì sao không? Chỉ trong ba ngày đầu tiên, tôi đã chạm vào rất nhiều câu chuyện đầy nước mắt. Khi kết thúc một ngày, tôi thường thấy mắt mình sưng mọng và lòng mình nặng trĩu. Có những câu chuyện bạn chỉ có thể nghe và khóc cùng với người đang khóc trước mặt mình mà thôi… Chỉ nội việc được nghe và được tin tưởng để người ta mở ra tất cả nỗi đau trong lòng họ và ngồi khóc ngon lành trước mặt mình, với tôi, đã là một ân huệ lớn lắm rồi. Tôi được nhiều người tin tưởng và ký thác những nỗi niềm tưởng đã vùi sâu chôn kín trong cuộc đời họ, chỉ đơn giản vì tôi là linh mục. Vì mọi người tin rằng tôi có thể làm trung gian để những nỗi đau trong cuộc đời họ được thấu đến tai Chúa… Đi vào trong thế giới của những tổn thương trong lòng người, tôi như bước đi trên những mảnh đất thánh. Tôi tập cởi bỏ những đôi dép trần tục của mình, để cho chính da thịt mình đụng chạm được và cảm nhận được những nỗi đau từ anh chị em tôi. Tôi từ bỏ vai trò của một người đến để tìm cách giải quyết vấn đề bằng những lời khuyên nhủ hay những khôn ngoan của con người. Tôi học đảm nhận vai trò của một người lắng nghe và chuyển cầu. Tôi xin cho mình được ơn đồng cảm và biết chạnh lòng thương…
Sau gần một tuần làm việc trong trại, ban giám đốc và các nhân viên trong trại đều cho rằng tôi không nên làm việc nhiều trong văn phòng, cũng không nên có trách nhiệm gì hết trong các ban bệ. Ngoài những giờ ngồi nghe trong phòng hoà giải, mọi người đều khuyên tôi nên dành nhiều giờ để chơi với người tị nạn. Có lẽ họ thấy cách tôi chơi đùa với con nít. Họ tin rằng tôi có thể thu hút được cả những người lớn bằng chiếc ống sáo, chiếc kèn Harmonica và cây đàn Guitar.
Thế là những ngón nghề tay trái bỗng nhiên trở thành lợi khí để giúp tôi phục vụ ở nơi này.
Tôi rủ rê thêm được một vài người để thành lập một ban nhạc. Gọi là “ban” nghe cho oai vậy thôi, chứ ở buổi “biểu diễn” đầu tiên ngoài một người đánh đàn organ và một người đánh guitar, phần lớn những người còn lại đều là những tay… gõ bàn gõ ghế. Chúng tôi cứ vậy mà hát thôi. Bài nào biết thì ban nhạc sẽ dạo trước. Bài nào không biết thì người hát cứ hát trước và ban nhạc sẽ chạy theo sau.
Sau buổi hát hò hôm ấy, tôi phát hiện ra rằng trong khu trại tôi ở có nhiều người thích hát và hát rất hay. Mặc dù ngôn ngữ họ hát là thứ ngôn ngữ mà tôi không hiểu được, nhiều người khác cũng không hiểu được. Nhưng có hề gì đâu. Âm nhạc luôn là một thứ ngôn ngữ phổ quát có thể giúp người ta vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ.
Ở đây, chúng tôi có 3 trung tâm phục vụ cho những người tị nạn. Họ đến từ những nước láng giềng có chung đường biên giới với Êthiopia. Phía Đông Nam là Somalia. Phía Bắc và Đông Bắc là Djibouti và Êritrea. Phía Tây là Nam Sudan. Phía Nam là Kenya. Tất cả các nước láng giềng này đều ít nhiều ở trong tình trạng biến loạn và xung đột. Ngoài ra, còn có cả những người chạy loạn từ các nước xa như Yemen, Congo, Ảrập Saudi, Burundi… và nhiều nước khác nữa. Lại có cả những người Êthiopia chạy loạn ngay chính trong lòng đất nước của mình, từ phương Bắc xuống Phương Nam. Phần lớn người tị nạn đều là những người bình dân. Họ chỉ nói được ngôn ngữ của nước mình hoặc của bộ lạc mình. Thế nên vấn đề lớn nhất trong việc phục vụ ở các trại tị nạn nơi đây luôn là ngôn ngữ để giao tiếp và truyền đạt.
May quá, với âm nhạc, chừng như chúng tôi vượt ra được cái rào cản ngôn ngữ. Âm nhạc có ngôn ngữ riêng và có lối truyền cảm riêng của âm nhạc. Đâu cần phải hiểu. Nhưng ai cũng có thể cảm được. Âm nhạc cho mỗi người cơ hội để sống với thế giới của cảm xúc riêng, tuỳ theo cách cảm nhận của mỗi người, tuỳ theo bối cảnh văn hoá và lịch sử cuộc đời của riêng từng người.
Sau một tuần, trong 3 khu trại của chúng tôi đã có 5 nhóm nhạc khác nhau: Êritrea, Congo, Nam Sudan, Somalia, và Yemen. Họ thay phiên nhau để tập và hát sau mỗi giờ ăn trưa. Ai muốn hát cũng được. Ai chỉ muốn đến nghe thôi cũng được… Buổi tập dợt và hát đầu tiên của nhóm người đến từ Nam Sudan kết thúc bằng việc nhóm nhạc và các ca sĩ ôm nhau mà khóc. Chỉ sau vài ba bài hát, chừng như họ đã tìm được sự đồng điệu và bị đụng chạm vào những nỗi niềm rất sâu trong lòng họ. Cả những “khán giả” đến nghe cũng ngậm ngùi và rướm lệ.
Có lẽ nên kể một chút về tình hình chung của những người tị nạn đến từ Nam Sudan.
Theo số liệu thống kê chính thức của Liên Hiệp Quốc, có gần 1 triệu người tị nạn trên đất nước Ethiopia trong năm 2024. Trong số những người phải chạy tị nạn nơi đây, đông nhất và thiệt thòi nhất chính là những người đến từ đất nước này.
Vốn đã từng là một vương quốc giàu có và rộng mênh mông, thế mà con cháu của đế chế Sudan ngày này phải làm người tị nạn tha hương và phiêu bạt khắp nơi…
Trong thời cổ đại, Sudan là vương quốc của người Kush trải dọc theo phần thượng nguồn sông Nile. Vùng đất ấy chứa đầy tài nguyên với khoáng sản, đá quý, hương trầm, và ngà voi. Dân Sudan nổi tiếng từ bao đời với những binh đoàn đánh thuê từ thời các Vương Quốc Aicập của các Pharaoh cho đến tận thời hiện đại với những binh đoàn Nubian.
Sau hơn 300 năm dưới quyền của Đế Quốc Hồi Giáo Ottoman, năm 1899 đất nước Sudan được thành lập dưới sự bảo hộ của chính quyền liên minh Anh Quốc và Aicập. Sau một giai đoạn dài chiến đấu dành độc lập, ngày 1 tháng 1 năm 1956, đất nước Cộng Hoà Sudan ra đời, hoàn toàn thoát khỏi quyền kiềm toả của chính quyền bảo hộ.
Thế nhưng chừng như vì đã phải sống quá lâu dưới quyền bảo hộ và thuộc địa, đất nước mới mẻ này không biết phải tận hưởng sự độc lập của mình ra sao. Ngay sau khi độc lập, đất nước mới lại rơi vào tình trạng nội chiến giữa hai miền Nam Bắc. Cuộc nội chiến kéo dài mãi cho đến năm 2005, khi cả hai bên đồng ý ký kết thoả thuận hoà bình và xác định ngày trưng cầu dân ý trong tự do và dân chủ vào năm 2011. Trong cuộc trưng cầu năm ấy, gần 100% dân cư Nam Sudan bỏ phiếu thuận với việc tách miền Nam ra khỏi quốc gia Sudan. Tên Sudan được giữ lại cho miền Bắc. Đất nước miền Nam lấy tên mới là Cộng Hoà Nam Sudan. Ngày 9 tháng 7 năm 2011, đất nước Cộng Hoà Nam Sudan tuyên bố độc lập và được chính Sudan là nước đầu tiên lên tiếng nhìn nhận chủ quyền. Dẫu vậy, tương quan giữa hai nước láng giềng từng có chung nguồn gốc này luôn rất tệ. Bên này thường có nhiều hoạt động ủng hộ các nhóm nổi dậy chống lại bên kia…
Từ khi trở thành một nước độc lập, Nam Sudan là một nước giàu có nhờ sản lượng dầu mỏ. Nhưng cũng chính kho tàng tài nguyên này lại trở nên duyên cớ cho những cuộc xung đột liên miên giữa các thế lực chính trị trong quốc gia non trẻ này. Từ năm 2013, những cuộc chiến khốc liệt bắt đầu nổ ra trên khắp đất nước này giữa một bên là phong trào giải phóng dân tộc Sudan và một bên là phong trào chống phong trào giải phóng dân tộc. Thêm vào đó là xung đột vũ trang giữa các bộ lạc… Các cuộc xung đột và nội chiến thật ra đều là những cuộc đấu đá tranh giành quyền lợi giữa các phe nhóm và bộ lạc khác nhau mà thôi. Hậu quả của các cuộc chiến và xung đột là một nửa triệu người thiệt mạng tính từ năm 2018 đến 2024. Hơn 4 triệu người phải di tản. Đất đai bị tàn phá đến độ rất nhiều người phải đối mặt với nạn đói. Gần 2,5 triệu người Nam Sudan phải chạy lánh nạn sang các quốc gia lân cận.
Trong những giai đoạn hoà bình hiếm hoi xen kẽ vào giữa các cuộc xung đột, chính phủ Nam Sudan khuyến khích người dân của họ trở về quê hương để ổn định lại cuộc sống. Có những người đã khăn gói trở về, chỉ để nhìn thấy quê hương xứ sở đã hoàn toàn ở trong tình trạng hoang tàn và đổ nát. Chưa kịp làm gì để xây dựng lại cuộc sống mới thì xung đột và bạo lực lại nổ ra. Họ lại tiếp tục chạy loạn và trở thành người tị nạn…
Trong nhóm nhạc Nam Sudan có một ca sĩ ốm tong teo với giọng hát trong vút và phong cách ngân đầy biểu cảm. Những bài hát của anh đều là những hoài niệm về quê hương xứ sở. Cứ mỗi khi anh lên hát thì mọi người lại rưng rưng ngấn lệ. Anh và ban nhạc của mình luôn kết thúc buổi ca nhạc bằng việc ôm nhau thật lâu và khóc rấm rức. Họ đều là những người đàn ông dày dạn và phong trần, đầy nét khắc khổ và lì lợm. Thật hiếm lắm mới thấy họ khóc.
Nhưng mà bạn biết không, cả ban giám đốc và đội ngũ nhân viên phục phụ người tị nạn đều mừng lắm khi thấy những người này khóc. Chỉ cần họ để cho nỗi lòng của mình được thoát ra bên ngoài theo tiếng hát, theo những giai điệu và câu từ của âm nhạc. Chỉ cần họ chịu khóc với nhau, khóc trước mặt nhau. Chỉ cần họ ôm nhau và dám để cho nỗi buồn của mình lộ ra trước mặt nhau… Tất cả sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn bất cứ liệu pháp nào mà các chuyên gia tâm lý nơi này có thể làm cho họ.
Với âm nhạc, rất dễ để những tổn thương được bộc phát và giải toả, được sẻ chia và đồng cảm. Và biết đâu, đó mới thật sự là điểm khởi đầu của hành trình được chữa lành và hoà giải…
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog