Chương 4: Karibu Africa
20. Chiếc nôi sinh thành của nhân loại
Đông Phi là vùng đất của rất nhiều điều kỳ thú ngoạn mục, cả trong thời cổ đại lẫn hiện đại.
Lý thuyết khoa học thịnh hành cho đến nay vẫn tin rằng Đông Phi là chiếc nôi sinh thành của loài người. Từ 7 triệu năm trước, trên vùng đất này đã có dấu hiệu sự sống của các chủng loài vượn nhân hình. Gần đây nhất, các nhà khảo cổ khám phá ra những di tích hoá thạch của con người hiện đại, được định tuổi vào khoảng hơn 300.000 năm trước.
Các nghiên cứu gần đây còn chỉ ra rằng Châu Phi là lục địa đầu tiên xảy ra hiện tượng di cư của chủng loài Homo sapiens. Vào cuối thời kỳ băng giá, nghĩa là khoảng 100.000 năm trước Công Nguyên, những vùng đất nằm trên đường xích đạo bắt đầu nóng dần lên. Sự biến đổi khí hậu tạo ra những “hành lang xanh”, nghĩa là những miền đất ấm áp, có khí hậu ẩm ướt và những thảm thực vật xanh tươi. Những hành lang xanh này kéo dài từ Đông Phi dọc lên hướng Bắc, cho đến vùng phía Đông của Biển Địa Trung Hải và vùng Bán Đảo Ảrập. Chủng loài Homo sapiens men theo những hành lang xanh này, ra khỏi vùng Đông Phi, bắt đầu đặt chân vào những vùng đất của Châu Âu và Tây Á. Như thế, Đông Phi là khởi đầu của chiếc nôi sự sống. Từ Đông Phi, chủng loài Homo sapiens tràn ra khắp Châu Âu và Châu Á sau những cuộc di cư liên tiếp nhau trong suốt thời kỳ cổ đại.
Đông Phi là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với đất đai trù phú, và phía Đông là đường bờ biển kéo dài tiếp giáp Ấn Độ Dương. Phía Tây của Đông Phi là hệ thống những hồ nước lớn tạo thành một đường vành đai kéo dài. Các mẫu di tích hoá thạch về sự sống đầu tiên của loài người được khai quật phần lớn đều nằm chung quanh những hồ nước lớn này. Thảm thực vật chung quanh những hồ nước này là nhà nơi cư trú của vô số những loài động vật hoang dã. Năm loài động vật đặc trưng của vùng đất này thường xuyên được nhắc đến là voi, trâu rừng, sư tử, tê giác, và báo đốm. Thật ra, trước đây Mamút được cho là loài động vật lớn nhất trên cạn và xuất hiện sớm nhất ở khu vực những hồ nước của Đông Phi. Cách đây 10.000 năm, loài động vật này đã tuyệt chủng ở khu vực Đông Phi vì sự nóng lên của bầu không khí khiến băng tuyết tan chảy, sa mạc hoá đất đai, và tình trạng khô hạn.
Nếu bạn thích thiên nhiên hoang dã, thích khám phá những cánh rừng già, hay nếu bạn muốn lang thang trên những cánh đồng cỏ khô ngút ngàn… Đông Phi chính xác là vùng đất dành cho bạn đấy! Nếu bạn thích cảm giác mạnh, Đông Phi cũng là nơi chào mừng bạn đến để chiêm ngưỡng những đường gãy đứt của lớp vỏ trái đất. Những đường gãy đứt này được cho là đã có từ cả 2 triệu năm trước, tạo thành một dọc những những thung lũng và những hồ nước tuyệt đẹp kéo dài từ dưới chân Biển Đỏ băng qua các nước Ethiopia, Uganda, Kenya, Tanzania và Mozambique.
Mới đây nhất, một rãnh gãy nứt xuất hiện ở sa mạc Ethiopia vào năm 2005. Rãnh nứt kéo dài gần 60km và khoét thật sâu xuống lòng đất. Các nhà khảo cổ cho rằng những đường gãy đứt này hoàn toàn có thể tạo thành một Đại Dương mới, tách phần Đông Phi ra khỏi đất liền. Nhưng đó là chuyện chỉ có thể xảy ra trong khoảng 20 triệu năm tới nữa. Nếu bạn muốn đến thăm Đông Phi và tận mắt nhìn xem những đường gãy đứt này thì hãy còn kịp nhé!
Do có vị trí địa lý thuận lợi với tuyến đường biển kéo dài, Đông Phi đã từng phải chịu sự dòm ngó và cai trị của nhiều Đế Quốc Phương Tây như Bồ Đào Nha, Đức, Pháp, Ý, Anh từ cuối thế kỷ thứ XIX cho đến nửa cuối thế kỷ XX. Những chèn ép của các Đế Quốc Phương Tây đã hun đúc trong lòng người dân Đông Phi khát mong độc lập, và quan trọng hơn là khát mong xây dựng vùng đất của mình thành một cộng đồng đoàn kết và hùng mạnh. Năm 1967, cộng đồng các nước Đông Phi được thành lập với sự tham dự của 7 quốc gia là Kenya, Tanzania, Uganda, Rwanda, Burundi, Congo và Nam Sudan. Cộng đồng này đã từng có một bản quốc ca chung bằng tiếng Swahili, Wimbo wa Jumuiya Africa Mashariki, được hát trong các trường học của tất cả các nước này.
Swahili được chọn làm ngôn ngữ chính thức của Đông Phi, cùng với Anh và Pháp là hai ngôn ngữ vay mượn, nhưng thịnh hành trong các nước này từ hơn 100 năm nay. Từ nguồn gốc, chữ “Swahili” là một tính từ trong tiếng Ảrập, có nghĩa là “thuộc về vùng duyên hải, dọc bờ biển”. Swahili là ngôn ngữ được tạo ra bởi chính những người dân Đông Châu Phi sống dọc theo bờ biển Ấn Độ Dương, như một phần trong nỗ lực xây dựng một căn tính riêng của chính cộng đồng bản địa nơi này. Có một ngôn ngữ mới đồng nghĩa với việc có một văn hoá mới. Có một văn hoá mới sẽ đánh dấu một sự độc lập nhất định trước ảnh hưởng chính trị, kinh tế, và văn hoá của Phương Tây cũng như của những nước vẫn mang não trạng chinh phạt thuộc địa dành cho Châu Phi.
Người dân Đông Phi vốn là những con người hiền hoà và hiếu khách. Lòng hiếu khách của họ sẽ chuyển thành quý trọng và yêu mến nếu bạn có thể nói được một vài câu tiếng Swahili của họ. Với ngôn ngữ này, bạn có thể thoải mái đi một vòng quanh các nước Tanzania, Kenya, Uganda, Burundi, và Somalia. Trong một tương lai gần, có lẽ bạn chỉ cần Visa vào một nước là đã có thể tung tăng khắp các nước thuộc cộng đồng Đông Phi. Văn hoá của họ có thể ít nhiều khác nhau, thói quen ẩm thực có thể ít nhiều khác nhau. Nhưng điểm chung mà bạn có thể gặp nơi bất cứ người dân Đông Phi nào đó là sự hiền hoà và hiếu khách không lẫn vào đâu được.
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog