Tin Mừng : Lc 18, 1-8
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: “Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: ‘Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù’.
Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: ‘Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc’ “.
Rồi Chúa phán: “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”.
CẦU NGUYỆN LUÔN LUÔN
Sống trong một xã hội hối hả, mọi thứ đều được đáp ứng ngay và luôn chỉ trong một nốt nhạc, thì kiên nhẫn nài nỉ và chờ đợi một ai đó giúp mình là một điều không phải dễ, đôi khi ta còn dễ dàng cảm thấy bực dọc, thất vọng và bỏ cuộc. Chúa Giêsu đã thấu hiểu và thấy trước được sự thiếu kiên nhẫn của con người và hệ quả của việc thiếu kiên nhẫn trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa ngang qua đời sống cầu nguyện. Vì thế, Người đã dùng dụ ngôn về “bà góa nghèo và ông quan tòa bất chính” để dạy cho các môn đệ và mỗi người chúng ta về bài học kiên nhẫn trong cầu nguyện và mời gọi mọi người hãy có tinh thần kiên nhẫn như bà góa, vì “Chúa sẽ kíp giải oan cho họ” (c.7). Vậy, qua dụ ngôn của Chúa Giêsu, chúng ta nên học điều gì nơi bà góa nghèo này?
Để có thể học bài học nơi bà góa nghèo này, trước tiên chúng ta cần nhìn lại hoàn cảnh éo le của bà. Bà góa nghèo sống trong văn hóa Á Đông và là nạn nhân của văn hóa “trọng nam khinh nữ.” Người Việt Nam chúng ta có câu: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô;” hay “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.” Một con trai đã kể là có, nhưng mười con gái vẫn coi như không có. Hơn thế nữa, người phụ nữ không có thế đứng trong gia đình, cho dù lập gia đình hay chưa lập gia đình, họ luôn phải phụ thuộc vào cha, chồng, và con trai. Là một phụ nữ Á Đông, bà đã vốn dĩ là người thấp cổ bé họng trong gia đình và ngoài xã hội, huống chi một phụ nữ đã góa bụa nghèo chẳng còn nơi nương tựa thì hẳn nhiên bà đáng thương hơn hết. Bà không những không còn chỗ dựa vững chãi của chồng và con cái, bà lại còn là nạn nhân đáng thương của một sự bất công chèn ép: “Đối phương tôi hại tôi” (c.3).
Tuy phải sống trong hoàn cảnh éo le và chịu nhiều bất công như thế, nhưng bà góa nghèo này đã không nhu nhược cam chịu để mình bị bóc lột thêm nữa. Không cam chịu để số phận tự đưa đẩy, bà đã chủ động và sáng tạo, bà tìm mọi cách để có thể được tiếp cận với quan tòa, xin quan tòa dủ thương minh xét (c.3). Nhưng tiếc thay, vị quan tòa mà bà cầu cứu lại là một quan tòa bất chính (c.6), nên hồ sơ vụ kiện của bà góa nghèo bị đẩy xuống hàng chót. Dù quan tòa đã ăn bánh bơ đội mũ phớt, nhưng bà góa đã không hề nản chí, và nhờ chính sự kiên nhẫn của bà mà bà đã thắng cuộc. Kiên trì nài nỉ là lợi khí duy nhất mà bà góa có thể sử dụng để đánh bại sự vô tâm và bất chính của ông quan tòa. Rốt cuộc ông quan tòa đã phải đem vụ kiện ra xử cho xong chuyện. Ông xử vụ kiện của bà góa nghèo vì ông không muốn bị bà tiếp tục quấy rầy.
Câu chuyện của bà góa nghèo nhắc nhở chúng ta về sự thiếu kiên nhẫn và thái độ nhanh chóng nhàm chán của mỗi người trong đời sống cầu nguyện. Có lẽ chúng ta có rất nhiều lý do cho sự dễ nhàm chán của mình. Một trong những lý do đó là chúng ta đã quen sống nhanh vội trong một thế giới ồn ào, nên quên mất nhu cầu cần có sự yên lặng, tách mình khỏi đám đông, trầm mình yên ả để lắng nghe tiếng nói thì thầm của Thiên Chúa. Bên cạnh đó, trong khi cầu nguyện chúng ta lại có khuynh hướng thích độc thoại một mình, nên không nghe được tiếng Chúa nói gì và không cảm nhận được sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa trong cuộc đời ta. Cũng lắm khi lời cầu nguyện của chúng ta cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày gây cho ta sự nhàm chán, trong khi đó ta lại không tìm cách đổi mới lời cầu nguyện và đổi mới tương quan giữa ta với Thiên Chúa. Vậy làm thế nào để lời cầu nguyện của chúng ta mỗi ngày thêm sáng tạo và sốt sắng? Cầu nguyện là cuộc trò chuyện tâm giao giữa ta với Thiên Chúa, nên mỗi người phải tự tìm kiếm cho mình một phương pháp cầu nguyện cho phù hợp. Cho dù dùng phương pháp nào đi chăng nữa, thì cầu nguyện đúng nghĩa phải là cuộc trò chuyện, là tâm sự, lắng nghe ý Chúa, chứ không phải chỉ là xin ơn.
Lời kêu gào của bà góa năm xưa cũng vẫn là lời kêu gào muôn thuở của những người thấp cổ bé miệng trong xã hội ngày nay. Chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Thiên Chúa không lên tiếng bênh vực, không hành động gì để giải cứu, giải oan một cách nhãn tiền khi chúng ta gặp khó khăn. Thế nhưng chúng ta cần biết rằng, Thiên Chúa biết rõ những gì tốt nhất cho con người. Thế nhưng, mọi sự đều cần đúng lúc đúng thời. Việc chúng ta cần phải làm là kiên nhẫn chờ đợi, đừng thất vọng trước bất công trên thế giới, đừng nản lòng khi lời cầu nguyện của chúng ta có vẻ rơi vào quên lãng. Chính thánh Phaolô tông đồ cũng khuyên nhủ chúng ta: “Cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân và kiên trì cầu nguyện.” Nếu vị quan tòa bất lương còn xử kiện cho bà góa nghèo chỉ vì tránh bị quấy rầy, huống hồ là Thiên Chúa, Đấng giầu tình yêu thương và luôn thương xót những kẻ nghèo hèn, Người lại không ghé mắt tới những kẻ Người tuyển chọn, những kẻ ngày đêm kêu cứu với Người, “mà khoan giãn với họ mãi sao?” (c 7). Thế nhưng, vấn đề là: “khi Con Người đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (c 8b). Vâng, Chúa Giêsu đã nhìn thấy trước vấn đề về “đức tin” của chúng ta, và Người đã cảnh báo niềm tin của con người sẽ giảm sút đến độ không còn, nếu họ chạy theo vật chất và nhu cầu trần thế hơn nhu cầu thiêng liêng. Đó là điều đáng buồn nhưng cũng là sự thật ta phải nhìn nhận và lưu tâm chuyển hóa để không bị rơi vào hoàn cảnh đó.
Chúa nhật 29 thường niên năm C cũng là KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO, đây là thời gian Giáo hội nhắc nhở chúng ta về tinh thần truyền giáo. Vậy, bạn và tôi, chúng ta đã làm gì để góp phần hiệp hành với Giáo hội trong công cuộc truyền giáo? Chúng ta đã cầu nguyện thế nào cho công cuộc truyền giáo? Chúng ta có sống chứng nhân trong môi trường mà ta được gửi dến hay không? Chúng ta hãy cùng nhau duyệt xét lại đời sống và hãy ý thức lại bổn phận tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, đem Tin Mừng Nước Trời cho thế giới, cho mọi người và mọi nhà. Tất cả mọi tín hữu đều được mời đi vào thế giới ta đang sống, chứ không phải bước sang một thế giới khác để truyền giáo, chúng ta được mời đi vào trong các nhà máy, các công xưởng, những nơi làm việc và học hành để loan báo Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa cho tha nhân. Ta không được phép chạy trốn khỏi thế giới ta đang sống nhưng phải hoà mình vào thế giới để làm việc và để làm chứng. Và đừng quên những phút giây cầu nguyện là lúc người Kitô hữu được lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong công cuộc truyền giáo. Ngài sẽ cắt đặt mỗi người, mỗi công việc và mỗi ơn gọi khác nhau, để làm chứng cho những giá trị của Tin Mừng và loan báo hồng ân cứu độ cho nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con phải kiên trì cầu nguyện, xin cho chúng con biết can đảm thực thi Lời Chúa dạy, cho tới ngày Chúa lại đến. Amen.
Rosa Thu Phương