Cuộc sống của chúng ta như là một con đường có nhiều ngã rẽ. Mỗi người luôn phải băn khoăn lựa chọn cho mình một lối đi, một con đường phù hợp. Con đường ấy có thể rộng hoặc hẹp, có thể quanh co hoặc bằng phẳng, có khi lại gập ghềnh sỏi đá… Tất cả những điều ấy làm nên thăng trầm trong cuộc đời của mỗi người. Cố nhạc sĩ Trần Lập đã từng viết trong ca khúc “Đường đến ngày vinh quang”:
“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng
Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai
Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió”
Thật vậy, cuộc sống là một hành trình đi tìm kiếm hạnh phúc của cuộc đời mình. Nhưng chẳng có con đường nào được trải hoa hồng mà bàn chân lại không thấm đau vì những mũi gai cả.
Cũng thế, hành trình bước theo Chúa Ki-tô là một con đường tìm kiếm những giá trị Chân- Thiện- Mỹ. Trên con đường đó xuất hiện không ít những khó khăn, gian nan và thử thách. Nó đòi hỏi những ai muốn bước theo Chúa phải can đảm đối mặt, hy sinh và mạo hiểm với chính bản thân mình.
Không ít người mới chập chững bước vào đời sống tu trì có thể cảm thấy hơi lạ lẫm vì ngoài giờ kinh, đôi khi họ phải biến bàn học thành chiếc bàn thờ thứ hai, vì nhu cầu và ích lợi của việc học mang lại. Nhưng cũng nhiều người tỏ ra lo ngại trước những rủi ro, hệ lụy tiêu cực của việc học đối với đời sống tu trì bởi có không ít người thích lao vào thế giới tri thức rồi ngủ yên trong đó, họ càng học nhiều càng sinh lắm ý kiến, gây cãi cọ chia rẽ, chểnh mảng kinh kệ và đời sống cầu nguyện, xao nhãng tìm kiếm Thiên Chúa hay thánh ý của Ngài. Bên cạnh đó, việc học hành nhiều và học giỏi cũng có thể dẫn đến sự kiêu ngạo và háo danh.
Tuy nhiên, khi bước vào đời tu, người tu sĩ phải lãnh nhận sứ mạng ngôn sứ, là nhắc nhở và phục vụ ý định của Thiên Chúa đối với con người. Để chu toàn sứ mạng đó, Giáo hội luôn đòi hỏi “người tận hiến phải có một kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa và ý thức được các thách đố của thời đại mình, khám phá ra ý nghĩa thần học sâu xa của chúng, nhờ biết biện phân với sự trợ lực của Thần Khí”[1]. Cách riêng với Dòng Đaminh, xuất phát từ đặc sủng của dòng để rao giảng Lời Chúa một cách thật hữu hiệu, đòi hỏi người tu sĩ Đaminh phải thấu hiểu điều mà mình công bố. Để thi hành sứ vụ này, các tu sĩ cần được đào tạo. Khi đó, hoa trái của việc học không chỉ được trổ sinh nơi đời sống tu trì của chị em mà còn trở nên hữu ích cho linh hồn tha nhân.
Có nhiều người cho rằng đi tu là để dấn thân phục vụ tha nhân, phục vụ Giáo hội, phục vụ Chúa. Điều đó không sai, nhưng sẽ có nhiều người nói rằng như vậy thì cần gì đi tu, lập gia đình còn phục vụ tốt hơn nhiều lần như thế. Tuy nhiên, đi tu, với Ki-tô giáo lại có một ý nghĩa sâu xa hơn. Mục đích của đời tu trước hết là đáp lại lời mời gọi đi theo Chúa Ki-tô, lấy Chúa là cùng đích đời mình, liên lỉ hiệp thông với Người bằng việc thờ phượng. Nhờ sống gắn bó với Chúa, lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho đời sống mình. Lúc ấy, người tu sĩ mới có khả năng từ bỏ, hy sinh và sửa đổi cách sống của mình để sống theo khuôn vàng thước ngọc là Chúa Ki-tô. Nhưng trên con đường dâng hiến, luôn bao hàm những khó khăn có nguy cơ cản trở bước tiến của ta; nó như những viên đá ngáng đường khiến ta có thể vấp ngã và làm đôi chân ta mệt mỏi, tổn thương. Nhưng nếu trong tim ta có sự vững tin vào Chúa thì ta sẽ cảm nhận được rằng, những thử thách đó đang tôi luyện đôi chân ta vững vàng hơn trên hành trình theo Chúa. Chỉ cần ta luôn vững lòng yêu mến, khát khao được đi trên con đường này thì mọi gian lao, thử thách sẽ lùi lại sau lưng.
Để vượt qua những gian nan này, thì trước hết, việc cầu nguyện vẫn luôn là yếu tố cần thiết nhất để nâng đỡ ta khi vấp ngã và tăng thêm sức mạnh để ta tiếp tục hành trình. Cầu nguyện thúc đẩy trái tim ta luôn tín thác vào Chúa và tin tưởng vào tương lai.
Ơn gọi thánh hiến là quà tặng cao quý mà Thiên Chúa dành cho ta, vốn dĩ ta chỉ là thụ tạo thấp hèn nhưng lại được Thiên chúa yêu thương, tuyển chọn để ta được ở lại bên Ngài và phụng sự Ngài. Vẫn biết rằng trần gian này có nhiều điều hấp dẫn và thú vị nhưng xin cho mỗi người chúng ta, đặc biệt là những ai đã và đang sống trong ơn gọi tu trì biết từ bỏ những lời mời gọi đó để vâng theo tiếng gọi dâng hiến bản thân cho Chúa để phụng sự Ngài và phục vụ tha nhân.
Thu Huyền, Thỉnh sinh
[1] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, n.73.