Tháng 7 là tháng mà Giáo Hội Việt Nam dành để suy niệm và tôn kính các vị tử đạo của quê hương. Không chỉ là 117 vị thánh đã được tuyên phong, nhưng còn là hàng trăm ngàn tín hữu đã đổ máu để minh chứng niềm tin, để trung thành theo Chúa đến cùng. Đọc lại lịch sử của các vị tử đạo cha ông, chúng ta thấy các ngài thuộc mọi tầng lớp từ vua chúa, quan quyền đến thứ dân; từ người tri thức đến thất học; từ thành thị đến nông thôn; từ cuộc sống giàu sang phú quý đến người nghèo khó bần cùng. Tất cả đã sẵn sàng đánh đổi để trung thành với đức tin của mình. Các ngài đã khước từ lời mời mọc đầy quyến rũ với những hứa hẹn cho cuộc sống đời này để chọn lấy những bảo đảm cho sự sống mai sau. Trước mặt thế gian, sự chọn lựa ấy quả là mơ hồ, và không đáng giá. Vì vốn dĩ ai cũng mong cho mình được sống và nhất là sống thoải mái, hạnh phúc, sung túc đầy đủ mọi thứ. Vậy mà các ngài lại từ bỏ để rồi phải chịu những đau khổ, bách hại, cực hình và phải chết một cách đau thương. Phải chăng các ngài là những người khờ, người dại đã không biết phân biệt và lựa chọn. Đây chắc hẳn không chỉ là một vấn đề đặt ra cho những con người thời các ngài mà cho con người mọi thời đại, cho mỗi người nhất là những người được mời gọi dấn bước theo Chúa trong ơn gọi tu trì trong cuộc sống hôm nay: Tử đạo- phải chăng là sự dại dột?
Lịch sử còn ghi lại trên mảnh đất hình chữ S này đã thấm đẫm dòng máu của các anh hùng tử đạo cha ông. Hàng trăm ngàn tín hữu đã bị chết vì trung thành tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa. Đọc lại cuộc đời của các vị tử đạo, chúng ta không khỏi rùng mình bởi những hình thức tra tấn vô cùng độc ác mà quân lính thừa lệnh các nhà cầm quyền đã nghĩ ra để dành cho các ngài. Những đau đớn nơi thân xác tưởng như con người không bao giờ có thể chịu được thì các ngài đã chịu. Những khổ đau bị hành hạ nơi thể xác lẫn tinh thần các ngài đều trải qua. Tuy nhiên, dù bị những bách hại, đe dọa ra sao thì các ngài vẫn một lòng kiên vững cho đến cùng. Điều nào đã khiến cho các ngài có đầy sức mạnh để vượt thắng tất cả những yếu đuối của con người. Chắc chắn đó phải là ơn Chúa. Đồng thời, các ngài đã thấy trước được giá trị lớn lao của những hy sinh gian khổ đó. Các ngài hiểu được rằng cuộc sống đời này chỉ là tạm bợ, chóng qua và sự sống đời sau mới là vĩnh cửu. Do vậy cuộc đời này dù có sống thêm được bao nhiêu năm đi nữa thì cũng sẽ kết thúc. Những bổng lộc, vinh hoa, vui thú mà con người nghĩ là hạnh phúc chỉ là phù vân. Đây không phải là một sự suy nghĩ một cách hời hợt và do lý trí con người bày ra nhưng đó là chân lý, là sự thật. Các ngài cũng không chỉ dựa trên những lời hứa hão huyền hay mờ hồ nào đó, hoặc thậm chí là lừa gạt nhưng là sự chân thật chắc chắn. Các ngài không chỉ tin vào những gì huyền ảo nhưng là thực tế được thể hiện nơi cuộc đời của Đức Giêsu, của các môn đệ và của các chứng nhân.
Đức Giêsu đã đến trần gian trong thân phận một con người. Ngài không chỉ mặc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa là ai, nhưng còn cho ta thấy rõ Thiên Chúa là gì. Bằng cuộc sống đơn nghèo nơi làng quê Nadaret, Đức Giêsu đã tỏ bày cách trọn vẹn một Thiên Chúa yêu thương nhân loại thế nào. Không dừng lại bằng việc rao giảng Tin mừng, cứu chữa hồn xác cho con người mà Đức Giêsu còn đi đến tận cùng của tình yêu Thiên Chúa nơi cuộc khổ nạn của Ngài. Những bắt bớ, tra tấn, đòn vọt và thập giá đã khiến có những lúc Ngài rùng mình sợ hãi mà kêu xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể thì xin cho con khỏi uống chén này”. Nhưng Ngài đã vượt thắng sự yếu đuối trong thân phận con người bằng việc trung thành theo thánh ý Chúa Cha: “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha”. Cái chết nhục nhã và đau thương trên thập giá tưởng chừng như sẽ kết thúc mọi tàn dư cuộc đời của con người tên là Giêsu. Nhưng nó lại là điểm khởi đầu cho một hành trình tuyệt đối và vĩnh cửu. Sự phục sinh của Đức Giêsu như một bằng chứng sống động cho thấy những gian nan đau khổ nơi con người không vô giá trị nhưng là chìa khóa mở ra con đường đi vào hạnh phúc viên mãn với Thiên Chúa. Đức Giêsu đã đi qua con đường thập giá để tiến vào vinh quang. Vì vậy, Ngài mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Đức Giêsu đã chứng minh cho thấy được đâu là giá trị mà ta cần theo đuổi để đạt được: “vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” Những gì nơi thế giới này sẽ qua đi và sự sống đời sau là vĩnh cửu. Do đó, ta cần biết lựa chọn và sẵn sàng đánh đổi để được giá trị lớn lao và vững bền hơn.
Bước theo con đường của Đức Giêsu, các môn đệ của Chúa đã không ngần ngại đi đến cùng sự chọn lựa của mình. Các ngài đã cảm nghiệm sâu sắc giá trị của những điều mà chính Thầy mình đã sống, đã chết và đã phục sinh. Vì thế, dẫu những bách hại và cực hình có xảy đến, các ngài vẫn luôn vững vàng trong sự lựa chọn của mình. Trải dài trong dòng lịch sử của Giáo Hội, biết bao người môn đệ của Chúa đã chết như Thầy mình. Các ngài không phải là những con người dại dột, nhưng đó là sự khôn ngoan trong Thiên Chúa. Các ngài không chọn lựa những thỏa mãn nơi cuộc sống này nhưng là chọn theo con đường đưa dẫn tới sự sống vĩnh cửu. Dòng máu của các ngài đổ ra tưởng như đem lại sự đắc thắng của thế lực sự dữ nhưng đó lại là hạt giống làm nảy mầm những sự sống mới. Những mầm non mà Thiên Chúa làm cho lớn lên mang đầy sức mạnh và như một bằng chứng sống động cho sự hiện diện của một Thiên Chúa hằng sống.
Giữa cuộc sống văn minh hiện đại hôm nay, chúng ta vẫn đang được mời gọi để có thể sống tử đạo mỗi ngày. Không phải bằng những bách hại, tra tấn, đòn vọt, và cái chết nơi thể xác nhưng là bằng cách sống, bằng sự lựa chọn mỗi ngày trong cuộc sống chúng ta. Nhiều người trong chúng ta vẫn bị cuốn vào sự cám dỗ rằng nếu ta không sống theo những gì của thế gian là ta dại. Người ta vẫn đang sống với những đam mê, lý tưởng của cuộc đời này, tại sao chúng ta lại không? Sự hưởng thụ những phương tiện hiện đại chẳng có gì là xấu, chẳng chết chóc gì, chẳng làm ta mất mạng được đâu. Những điều tôi sống như thế này đã là hy sinh lắm rồi so với nhiều người. Tất cả những cám dỗ ấy vẫn đang xảy ra từng ngày nơi mỗi người chúng ta. Vì thế, nhiều anh chị em sống đời tu nhưng cũng tặc lưỡi cho qua những lời cảnh báo của lương tâm để rồi sống theo sự tự do và ý thích của mình. Vẫn sống đời tu đấy nhưng đằng sau vẫn âm thầm để tìm kiếm và sống theo những gì của cuộc sống này. Họ có được tất cả những gì của thế gian này. Họ tự hào với sự thành công và tài giỏi của mình. Họ qua mặt được mọi người và họ cho đó là khôn ngoan. Đối với những người sống ba lời khấn vâng phục, khó nghèo, khiết tịnh cách triệt để thì họ cho rằng đó là những người dại dột, là ngốc. Đó là những cách suy nghĩ và hành động thể hiện sự bước qua thập giá trong cuộc sống hôm nay. Hãy đọc lại lời của Đức Giêsu nhắc chúng ta: “người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”. Sự sống viên mãn trong Thiên Chúa mới là cùng đích, mới là bền vừng. Do đó, những cám dỗ lựa chọn cuộc sống thế gian này tưởng như là khôn ngoan mà lại là sự dại dột. Ngược lại những lựa chọn cách sống trước mặt người khác cho là dại dột thì đó là sự khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa. Đức Giêsu đã hứa: “Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần”. Đó là điều khiến các thánh tử đạo cha ông của chúng ta đã không ngần ngại hy sinh mạng sống của mình để minh chứng về Thiên Chúa tình yêu trong cuộc sống và thế giới con người.
Lạy Chúa, xưa Chúa đã ban cho các thánh tử đạo Việt Nam cha ông của chúng con sức mạnh phi thường vượt qua mọi thử thách gian khổ và cả cái chết để làm chứng cho Chúa. Xin cũng ban cho chúng con nguồn ơn thánh dồi dào ấy, để chúng con biết lựa chọn những gì thuộc về Chúa hơn là của thế gian. Chúa đã chọn chúng con từ giữa thế gian, xin cũng giúp chúng con biết sống và làm chứng cho Chúa bằng đời sống của mình. Xin cho chúng con nhớ rằng: Tử đạo mỗi ngày không phải là sự dại dột nhưng là sự khôn ngoan mang lại sự sống đời đời cho chúng con.
Con Nai