TIN MỪNG : Lc 1, 39-45
Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Suy Niệm :
Bầu khí của Chúa Nhật thứ bốn mùa Vọng hôm nay, phụng vụ trình bày cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu trong cung lòng Đức Maria và Gioan Tẩy Giả trong cung lòng bà Elisabeth, đây có thể là một sự gặp gỡ mong chờ của thời viên mãn.
Trước hết bà Elizabeth một phụ nữ đã già (gần trăm tuổi), không còn hy vọng sinh con, ấy vậy mà Chúa đã ban cho bà một mụn con. Bà đã có thai được sáu tháng, việc mang thai này là do quyền năng của Thiên Chúa, vì đối với Thiên Chúa thì chẳng có gì là không thể; có thể nói bà đại diện cho Giáo Hội thời Cựu Ước. Còn Đức Maria một thiếu nữ đang tuổi xuân thì, khoảng chừng mười sáu đôi mươi, khấn giữ mình đồng trinh và cũng đang mang thai do quyền năng Chúa Thánh Thần, Mẹ đại diện cho Giáo hội thời Tân Uớc tràn đầy sức sống, năng động, trẻ trung. Hai người người phụ nữ được Kinh Thánh miêu tả ở hai vị thế khác nhau về mặt tinh thần, thể lý, địa lý, nhưng họ có những điểm chung như: cùng là bà con trong gia đình huyết tộc, cũng ấp ủ một niềm hy vọng, cả hai đang mang thai và hai người con của họ được sinh ra trong những hoàn cảnh hy hữu. Trên hết tất cả, những điều này xảy ra vì cả hai đều có đức tin sâu đậm, bền vững. Họ đặt tất cả niềm tin vào Thiên Chúa, không nghi ngờ ngay trong những hoàn cảnh tưởng chừng không thể đến được trên phương diện và cái nhìn tự nhiên của con người, để ý Chúa được thực hiên nơi họ. Chính vì thế họ là những mắt xích quan trọng thêu dệt nên lịch sử giao thời giữa Cựu Ước và Tân Ước.
Thứ đến bà Elizabeth và Đức Maria gắn liền với nhau vì hai người con của họ là những đứa con đặc biệt và khác thường về hoàn cảnh và sứ vụ. Chính vì sự khác biệt này họ càng liên hệ chặt chẽ với nhau hơn. Họ có liên hệ họ hàng huyết tộc, nhưng đặc biệt hơn là liên hệ thiêng liêng trong sứ vụ, hai sứ vụ nhấn mạnh tới sự liên tiếp và ngắt đoạn.
Tin mừng của Luca luôn có sự hài hòa giữa truyền thống và mới mẻ. Có thể nói cuộc đời của Gioan Tẩy Giả gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu, Gioan Tẩy Giả là ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu Ước nhắc lại lời hứa cứu độ thì Chúa Giêsu hoàn tất lời hứa cứu độ; là Gioan Tẩy Giả “dọn đường” thì Chúa Giêsu là “đường”; Gioan Tẩy Giả kêu gọi người ta sám hối thì Chúa Giêsu mang lại ơn tha thứ. Qủa vậy trong suốt thời gian mùa Vọng chúng ta nói về Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu rất nhiều bởi vì không thể hiểu được người này mà không nói đến người kia.
Tiếp đến biến cố thăm viếng của Đức Maria làm nổi bật lên hình ảnh Mẹ là vị truyền giáo đầu tiên. Đức Maria đi thăm bà Elizabeth bởi vì sứ thần Gabriel đã nói cho Mẹ biết Elizabeth đã mang thai. Đây cũng là một hành động nói lên sự liên đới gia đình, ở bên cạnh bà Elizabeth, Mẹ Maria có thể phụ giúp trong thời kỳ bà “mãn nguyệt khai hoa”. Và rồi Phúc Âm cũng cho thấy đây là dịp tốt để hai chị em cùng chia vui, xẻ buồn với nhau. Đối với Đức Maria, cuộc viếng thăm này là hiển nhiên và cần thiết nhưng lại mang đến một bất ngờ, sự bất ngờ đến từ Thiên Chúa. Khi Mẹ vào nhà và chào bà Elizabeth thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Chính vì thế bà Elisabeth sửng sốt đã cất lên lời này : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Lc 1,42-45).
Chỉ có bà Elisabeth mới có thể cảm nhận được điều đang xảy ra, bởi vì bà đang mang trong mình đứa con mà do ân huệ của Thiên Chúa. Giống như tất cả các bào thai vào những tháng cuối của thai kỳ thường dãy đạp trong bụng mẹ, nhưng ở đây đức tin của bà Elizabeth đã mách bảo để bà nhận ra một mối liên hệ lạ thường giữa hai thai nhi, chỉ có bà mới cảm nghiệm được sự hiện diện của hài nhi Giêsu mà muôn dân mong đợi đang trong cung lòng Đức Maria. Sự kiện này thật là tự nhiên nhưng không thể cảm nghiệm được đối với người ngoài cuộc. Chỉ có mẹ của Gioan Tẩy Giả mới có thể giải nghĩa được sự nhảy mừng của con mình với cái nhìn đức tin, bởi vì bước khởi đầu của Nước Trời thật là kín đáo, cần phải có đức tin mới có thể nhận ra được.
Bên cạnh đó, biến cố thăm viếng làm nổi bật lên hình ảnh Đức Maria là mẫu gương sống đời phục vụ. Mẹ không chỉ đến thăm mà còn ở lại trong khoảng ba tháng để phục vụ chị họ Elisabeth cho đến khi Gioan chào đời. Là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ không nghĩ đến phẩm chức cao quí đó để được phục vụ nhưng Mẹ đã mặc lấy tâm tình phục vụ. Noi gương Mẹ, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi sống cuộc đời phục vụ, loan báo tin mừng trong môi trường mình sống, làm việc… và ở bất cứ nơi nào mình hiện diện.
Loan báo Tin Mừng sẽ trở nên chân thực qua đời sống chứng nhân của mỗi người. Phục vụ sẽ trở nên có ý nghĩa cao trọng, khi chúng ta lưu tâm tới những anh chị em nghèo khổ, bệnh hoạn, già cả, neo đơn. Ước gì qua đời sống phục vụ, làm chứng tá của mỗi chúng ta, mọi người nhận biết được sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, Mẹ Maria đã chia sẻ và hiệp thông vào mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Giêsu trong mọi chiều kích trần thế, đặc biệt trong sự gặp gỡ và phục vụ. Xin cho mỗi người chúng con trong cuộc lữ hành đức tin cũng biết noi gương Mẹ, sẵn sàng ra khỏi chính mình, đến gặp gỡ tha nhân, để phục vụ và trao ban Chúa cho những người mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc đời. Amen.
Sr. Anna Imelda Trần Thi Gấm, O.P