Chương 4: Karibu Africa
23. Unatoka wapi?
Unatoka wapi là câu hỏi những người lịch sự và cẩn trọng hay hỏi. Bạn từ đâu đến?
Tôi gọi đây là câu hỏi của những người lịch sự và cẩn trọng, vì những người này thật sự muốn biết về bạn. Họ đến với bạn bằng câu hỏi và cho bạn cơ hội để trả lời, chứ không đến với bạn bằng những giả định họ đã có sẵn trong đầu.
Người ta hay đến với nhau bằng nhiều giả định sai về nhau lắm. Giả định ấy lắm khi trở nên cái chướng ngại khó vượt qua.
Chẳng hạn, người Việt ở Châu Âu và Châu Mỹ thường có kinh nghiệm không dễ chịu cho lắm mỗi khi được người nước ngoài chào mình bằng câu: ní hảo ma! Chắc chắn bạn biết ní hảo ma là câu chào dành cho người Tàu, phải không? Họ lộn bạn với người Tàu. Có nhiều khi người chào không muốn trêu chọc bạn đâu. Ngược lại là đằng khác. Họ muốn bày tỏ thiện cảm với bạn bằng cách chào bạn bằng ngôn ngữ mà họ cho là của chính bạn. Họ nghĩ như vậy sẽ làm bạn vui. Họ cũng muốn chứng minh cho bạn thấy là họ cũng biết sơ sơ về ngôn ngữ của bạn ấy chứ! Họ muốn chứng tỏ thiện chí, chào bạn bằng chính ngôn ngữ của bạn.
Giống như ngày xưa, lúc bạn còn ở quê, gặp được một ông Tây đi ngang nhà mình, bạn liền hí hửng chạy ra và xổ ra cái vốn tiếng Anh của mình, theo kiểu: Hello, how are you? I’m fine thank you, and you?… Làm được như vậy, bạn sẽ rất tự hào, phải không? Vì bạn có cảm giác vừa chứng minh cho người ta thấy được khả năng nói tiếng Anh của mình, vừa cho người ta thấy sự hiếu khách và lịch sự của người Việt mình, phải không?
Nhưng mà hình như hồi đó bạn không hề biết rằng đâu phải ông Tây nào cũng nói tiếng Anh. Tiếng Anh đâu phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của mấy ông Tây. Bạn chào họ bằng thứ ngôn ngữ xa lạ với họ chẳng khác gì nó xa lạ với bạn…
Nhưng đâu có sao, phải không? Quan trọng bạn là người hiếu khách và có thiện chí.
Có cơ hội để mở ra và tiếp xúc nhiều hơn, có lẽ bạn sẽ nhận ra: câu chào có thể đúng có thể sai, ngôn ngữ bạn sử dụng để chào hỏi nhau có thể đúng có thể sai. Điều quan trọng nhất là cái thiện chí được thể hiện qua câu chào của người chào thôi.
Để tôi kể cho bạn nghe chuyện này, vui lắm!
Chung quanh nhà tôi ở là một vùng đồng quê xanh um có rất nhiều cây cối. Có cả những con đường đi bộ nữa. Mỗi chiều, tôi thường chạy bộ trên những con đường ấy. Con đường ấy có nhiều khúc quanh rất đẹp. Qua khúc quanh đầu tiên, tôi thường gặp một người đàn ông khác cũng chạy bộ trên cùng một con đường. Người đàn ông ấy cũng đeo mắt kính, có vẻ rất lịch sự và nhã nhặn.
Hai ngày đầu gặp nhau chúng tôi chỉ chào nhau bằng cách mỉm cười thân thiện. Ngày thứ ba, vừa thấy tôi ở khúc quanh, người đàn ông không chỉ mỉm cười mà còn lớn tiếng chào:
– Habari Wachina!
Bạn biết câu chào này có nghĩa là gì không? – Chào anh bạn người Trung Quốc!
Dĩ nhiên, đây không phải là lần đầu tiên có người chào tôi như thế. Tôi chỉ mỉm cười đáp lại, rồi chạy tiếp. Nhưng tôi chợt nghĩ: với người đàn ông lịch thiệp này chắc mình có thể đùa được. Đùa một chút cho vui vậy. Tại sao không? Thế là tôi ngoảnh đầu lại và cũng chào một câu rõ to:
– Habari, Wasomali! – Chào anh bạn người Somali.
Bạn biết chuyện gì xảy ra không? Ông ta rượt theo tôi, chừng như bằng tốc độ nhanh nhất mà ông ấy có thể. Đứng chắn trước mặt tôi, ông ấy vừa chống nạnh vừa trợn mắt:
– Cậu vừa chào tôi cái gì thế?
Tôi dừng lại, vừa thở vừa cười cười:
– Ờ, thì tôi chào ông đó. Chào ông bạn người Somali.
Hình như người đàn ông rất bực. Ông làm một tràng:
– Sao cậu lại có thể chào tôi như thế chứ. Tôi là người Kenya. Cậu có biết rằng lầm lẫn giữa người Kenya và người Somali là một tội ác nghiêm trọng lắm không?
Tôi phì cười trước thái độ nghiêm trọng của người đàn ông:
– Oh, thế à. Xin lỗi, vì tôi không biết. Tôi cứ tưởng ông là người Somali thôi, giống như những người bạn da đen người Somali mà tôi biết…
Người đàn ông cắt ngang ngay lời tôi:
– Tôi nghiêm túc nhắc lại: Tôi không phải là người Somali nhé! Cậu không được phép lầm lẫn như vậy…
Tôi bắt đầu nghiêm túc, chắp tay trước ngực, cúi đầu:
– Tôi xin lỗi vì lầm lẫn của mình. Xin ông bỏ qua cho “tội ác nghiêm trọng” của tôi nhé!
Thấy tôi lặp lại chính cụm từ của ông, người đàn ông bắt đầu phì cười và xua tay:
– Không sao, không sao…
Không để cho ông ta nói hết tôi tiếp liền:
– Mà nè, ông có biết rằng thật ra ông cũng mới vừa phạm “tội ác nghiêm trọng” chẳng khác gì tôi không?
Người đàn ông ngạc nhiên hỏi tôi:
– Là sao? “tội ác nghiêm trọng” nào thế?
– Tôi không phải là người Trung Quốc. Tôi là người Việt Nam nhé! Mimi ni Kivietinamu. Ninatoka Việt Nam.
Sững lại một hồi, chừng như người đàn ông bắt đầu hiểu ra. Ông đưa tay đấm một phát vào vai tôi rõ mạnh:
– Cậu được lắm! Là cậu cố tình troll tôi phải không? Cậu được lắm, được lắm…
Thấy ông ta vừa nói vừa cười, tôi đâu có dễ mà buông tha liền. Tôi giả vờ chống nạnh trợn mắt, bắt chước lại thái độ của ông ta, và hỏi:
– Vậy thì ông có tính xin lỗi tôi không?
Người đàn ông nhã nhặn lịch sự trước mặt tôi liền lấy lại vẻ nghiêm túc, ông chắp tay trước ngực, cúi đầu, y chang như thái độ của tôi lúc nãy:
– Tôi xin lỗi vì lầm lẫn của mình. Xin cậu bỏ qua cho “tội ác nghiêm trọng” của tôi nhé!
Thế là chúng tôi cùng cười vang.
Vậy đó! Thế giới này rộng lắm, và những hiểu biết của chúng ta về thế giới này nhỏ hẹp lắm. Những hiểu biết của chúng ta về nhau hình như cũng nhỏ hẹp lắm.
Nếu bạn là một người Châu Á, chỉ sinh ra và lớn lên trong môi trường của mình thôi, khi gặp một ông Tây, từ vẻ bên ngoài của họ, làm sao bạn có thể phân biệt một người Pháp với một người Đức với một người Tây Ban Nha với một người Ý… Họ nhìn như nhau hết thôi, phải không? Bạn chỉ có thể gọi họ bằng cái tên chung là “ông Tây” thôi.
Chuyện cũng như vậy với những người sinh ra và lớn lên ở Châu Âu hay Châu Mỹ hay Châu Úc hay Châu Phi… Khi gặp một người Châu Á, họ đâu thể nào từ cái vẻ bên ngoài mà phân biệt ai là người Việt, ai là người Tàu, ai là người Nhật, ai là người Hàn, ai là người Sing, ai là người Thái… Họ chỉ gọi chung người Châu Á là “Tàu” cả thôi. Chữ “Tàu” họ dành cho người Châu Á, ít nhiều cũng giống như chữ “Tây” bạn dùng cho người Châu Âu hay Châu Mỹ hay Châu Úc vậy à!
Đơn giản vậy đó. Giận hờn bắt bẻ nhau làm chi cho mệt hỏng biết nữa!
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog