Chương 7: Giữa những người tị nạn
42. Những đứa trẻ trong trại tị nạn
Sau lưng khu trại tị nạn tôi ở là bãi rác của thành phố. Tất cả những thừa mứa và cặn bẩn của xa hoa phố thị đều dồn đổ hết vào nơi đây.
Một chiều muộn, trở về trại sau một chuyến đi xa, tôi nhìn thấy có hai chú nhóc đang đứng trên đỉnh cao hỗn độn của bãi rác. Đó là hai anh em ở trong trại tị nạn mà tôi biết, đứa lớn 9 tuổi và đứa nhỏ chừng 5 tuổi. Hai anh em nhà ấy chừng như đã lục lọi được một hồi nơi bãi rác này rồi. Đứa anh lớn bỗng lôi ra từ trong đống rác một miếng dưa hấu, bẻ làm đôi chia cho đứa em một nửa. Thế rồi hai anh em đưa miếng dưa hấu lên miệng ăn ngon lành.
Tôi sốc đến độ thấy đầu óc mình choáng váng. Sau một hồi tôi lặng im đầy ngột ngạt, tôi lên tiếng hỏi một câu nghe thật vô nghĩa:
– Tụi con đói bụng hả?
Hai chú nhóc nhìn tôi, rồi cúi đầu lí nhí:
– Dạ…
Bạn biết không, trong trại tị nạn có rất nhiều trẻ con. Tương lai của trẻ con luôn là mối bận tâm lớn nhất đối với những người phục vụ trong các khu trại tị nạn. Có những đứa trẻ từ xa chạy loạn theo bố mẹ đến đây. Nhưng cũng có nhiều đứa trẻ được sinh ra ngay chính trong khu trại tị nạn này và chưa hề biết đến khái niệm quê hương xứ sở là gì cả. Nhưng đó vẫn là những trường hợp may mắn. Có những đứa trẻ khi đến được khu trại tị nạn này thì đã không còn bố mẹ nữa. Cả gia đình họ đã lạc nhau đâu đó trên đường chạy loạn. Những đứa trẻ ấy luôn đau đáu niềm hy vọng một sáng đẹp trời nào đó tự nhiên bố mẹ mình cũng tìm được đường vào trại và thế là mình được gặp lại bố mẹ.
Cũng có những đứa trẻ còn kém may mắn hơn khi chính mắt đã phải nhìn thầy bố mẹ mình gục ngã trên đường chạy loạn. Vì bom đạn. Vì cướp giật giết chóc. Vì đói… Những đứa trẻ ấy được đoàn người cùng chạy loạn thương tình bảo bọc và mang đến trại. Thế nhưng làm gì có sự bảo bọc nào có thể xoa dịu nỗi mất mát mà những đứa trẻ ấy đã phải bỏ lại trên đường. Ưu tiên của những người phục vụ trong trại tị nạn là tìm kiếm các gia đình có thể nhận nuôi, để những đứa trẻ này còn được lớn lên trong bầu khí gia đình. Để những tổn thương có thể dần nguôi ngoai và được chữa lành…
Nhưng thật ra đây là một nhiệm vụ rất khó khăn.
Tương quan giữa những người trong trại tị nạn với dân bản địa chưa bao giờ là một mối tương quan dễ dàng. Êthiopia vẫn là một đất nước còn nghèo. Người dân còn phải chạy ăn từng ngày, lo tiền điện, nước, và những nhu yếu phẩm của cuộc sống. Không phải đứa trẻ Êthiopia nào lớn lên cũng có cơ hội đến trường… Tự dưng ngay giữa lòng xứ sở của họ lại mọc lên những khu trại dành riêng cho người tị nạn. Những người tị nạn lại được chăm sóc nhiều hơn bởi Liên Hiệp Quốc, bởi các tổ chức phi chính phủ và cả cộng đồng quốc tế. Trong khi chỗ của người dân địa phương thường xuyên cúp điện tối thui thì trong trại tị nạn vẫn có thể có đèn sáng. Dân địa phương thì phải chạy đi kiếm nước từng ngày, trong khi trại tị nạn thì vẫn thường xuyên được đảm bảo có nước sạch để dùng. Trong khi con cái của dân địa phương không phải đứa nào cũng được đi học, thì trong trại tị nạn lại tổ chức được cả trường lớp và nhiều hoạt động văn hoá giáo dục cho cả người lớn lẫn trẻ con… Những khác biệt ấy tạo nên một sự hằn học không hề giấu giếm nơi chính những người thuộc cộng đồng bản địa. Họ giận chính quyền địa phương không chăm lo được cho dân mình như các tổ chức quốc tế chăm lo cho người tị nạn… Họ giận lây và bày tỏ thái độ kỳ thị một cách không cần giấu giếm dành cho những người tị nạn.
Những người Êritria có thể từ từ hội nhập tốt vào giữa lòng xã hội Êthiopia, vì dù sao thì họ đã từng là một dân tộc và chia chung một nền văn hoá. Ngôn ngữ của họ cũng không quá khác nhau. Còn những người đến từ Somalia và Nam Sudan luôn là những kẻ lạc lõng trên chính đất nước mà họ đã tìm vào để lánh nạn. Có những người thậm chí đã sống trong trại tị nạn đến gần 30 năm rồi. Thế hệ đầu tiên đã chết trong trại tị nạn. Họ chờ đợi mỏi mòn cho đến tận thế hệ con cháu, nhưng vẫn chưa có một ai thật sự muốn đưa tay ra giúp đỡ và cưu mang họ. Con cái của họ thì vẫn lạc lõng không thuộc về chốn nào…
Những người phục vụ trong trại tị nạn đã cố gắng rất nhiều để liên kết với các tổ chức của địa phương với hy vọng những đứa trẻ trong trại tị nạn có thể có cơ hội được đi học trong các trường của nhà nước, được thi cử chính quy, và được có cơ hội tiến thân lập nghiệp một cách đàng hoàng. Nhưng cả khi mọi thủ tục pháp lý đã có thể thông qua, thì cái khoảng cách giữa trẻ con bản địa và trẻ con thuộc các gia đình tị nạn vẫn là một khoảng cách rất khó để vượt qua. Thành kiến, phân biệt, kỳ thị, so bì… là những điều mà con cái của người tị nạn cứ phải luôn hứng chịu.
Sau một thời gian được cho ra trường nhà nước để học, có những đứa trẻ nhất định thà chịu thất học hoặc chỉ học theo kiểu chắp vá trong chương trình của trại tị nạn, chứ nhất định không quay trở lại trường. Trong ánh mắt của bọn nhóc, luôn lẩn khuất một nỗi buồn của kẻ đang đi lạc vì không biết mình thuộc về đâu, không thấy mình được trân trọng hay đón nhận. Không đến trường, cuộc sống mỗi ngày của bọn nhóc chỉ có thể lòng vòng trong khu trại và nhìn cuộc sống từ bên trong bức tường rào của trại tị nạn mà thôi.
Có những đứa trẻ ở trong trại lâu quá thành quen, thế là chọn cái “nghề” trở thành nhân viên phục vụ của trại tị nạn để tiếp tục công việc đón tiếp và giúp đỡ những người tị nạn mới đến.
Nhưng nói cho cùng, đó đâu phải là tương lai…
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog