Chương 7: Giữa những người tị nạn
41. Hoạ lại những niềm đau
Ngoài âm nhạc, một trong những điều mang lại cho tôi ngạc nhiên lớn nhất trong các khu trại tị nạn nơi đây chính là hội hoạ.
Ngày đầu tiên đến phòng hoà giải, đập vào mắt tôi là bức tranh của một nàng thiếu nữ đang ôm cây đàn Krar. Đây là loại nhạc cụ truyền thống của người Êritrea và Êthiopia. Nàng thiếu nữ ấy xuất hiện nổi bật ở tiền cảnh với một chiếc áo Habesha trắng có đường viền bởi những hoa văn màu xanh. Một chiếc khăn netela trắng xanh khoác hờ ở cổ. Nàng thiếu nữ có dáng người rất thanh mảnh. Những ngón tay thanh mảnh như đang lướt hờ trên những sợi dây đàn. Mái tóc dài buông xoã qua bờ vai. Chiếc cổ nhỏ nhắn và gương mặt rất thanh tú. Đôi mắt vẫn còn nét đượm buồn, nhưng khuôn miệng lại như đang mỉm cười đầy tin tưởng và hy vọng… Bức chân dung đầy trữ tình và lãng mạn ấy lại được đặt nền trên hậu cảnh là những tông màu rất mạnh: màu đỏ, mà cam, màu vàng, và có cả những mảng đen ẩn khuất. Cái hậu cảnh ấy như một đám lửa đang rực cháy hỗn loạn, gợi lên rất nhiều cảnh tàn phá và thiêu rụi của khói lửa chiến tranh, của bạo lực và khủng bố, của đau khổ và chết chóc.
Bức tranh ấy được vẽ bởi một người tị nạn đến từ Êritrea. Nàng thiếu nữ trong bức tranh mang nét đẹp mong manh của một nghệ sĩ đang trình tấu giai điệu cuộc đời mình. Giữa cảnh lưu đày tha hương lữ thứ, nàng thiếu nữ ấy vẫn mang theo bên mình hai món gia sản đậm nét văn hoá và làm nên căn tính của dân tộc mình, đó là chiếc áo Habesha Kemis và cây đàn Krar. Nàng thiếu nữ ấy đang sống cuộc đời hiện tại, hướng về những gì đang mở ra trước mắt. Gương mặt của nàng thiếu nữ ấy hoàn toàn hướng về phía trước. Tất cả những đau khổ và hỗn loạn đều ở lại sau lưng. Tiền cảnh và hậu cảnh của bức tranh được xây dựng trên nghệ thuật tương phản, làm nổi bật cái khát vọng sống mãnh liệt của một người tị nạn. Chính trên cái hậu cảnh hỗn loạn của quá khứ mà bức tranh nàng thiếu nữ tấu đàn Krar trong thời khắc hiện tại lại trở nên đầy ý nghĩa và đẹp tuyệt vời.
Có lẽ nên kể một chút về tình hình chung của những người tị nạn đến từ Êritrea và vùng đất được gọi là Sừng Châu Phi để chúng ta có thể hình dung ra sự hỗn loạn của nơi này.
“Sừng Châu Phi” là tên gọi được dùng để chỉ về vùng đất miền ở Đông và Đông Bắc của Châu Phi với bốn quốc gia là Êthiopia, Êritrea, Djibouti, và Somalia. Vùng đất ấy nhô ra biển Ấn Độ Dương như một chiếc sừng, với một cạnh là Biển Đỏ cùng với vịnh Aden và cạnh còn lại là bờ biển Ấn Độ Dương.
Êritrea là một chữ đến từ tiếng Hylạp, Ἐρυθρὰ Θάλασσα, có nghĩa là “Biển Đỏ”. Đây là phần đất nằm ở phía bờ Đông của Biển Đỏ, có đường biển kéo dài đến gần 1.200km. Từ thế kỷ thứ II, đây là vùng đất của vương quốc Aksum, một trong những vương quốc đầu tiên chọn Kitô làm quốc giáo. Cuối thế kỷ XIX, người Ý đem quân xâm lược vùng đất Êritrea và biến vùng đất này hoàn toàn thành thuộc địa của mình. Từ Êritrea, Ý bắt đầu tham vọng bành trướng trên toàn vùng đất thuộc Sừng Châu Phi. Sau khi Ý thất trận trong thế chiến thứ II, Êritrea trở thành phần đất thuộc quyền của Anh Quốc và luôn đối diện với nguy cơ bị sát nhập vào đất nước Êthiopia. Dưới sự chiến đấu của mặt trận giải phóng dân tộc Êritrea, được thành lập bởi đa số sinh viên, giáo sư, và giới trí thức, năm 1993 Êritrea thành công tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý và trở thành một đất nước độc lập.
Dân tộc Êritrea tập hợp nhiều sắc dân khác nhau với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nhưng bốn ngôn ngữ chính thức được sử dụng là tiếng Tigrinya, tiếng Ảrập, tiếng Anh và tiếng Ý. Dẫu vậy, ngày nay Êritrea vẫn được kể tên vào số những nước kém phát triển nhất trên thế giới và thường được gắn cho biệt danh là “Bắc Hàn của Châu Phi”. Họ được cai trị bởi một đảng cầm quyền, hoàn toàn xa lạ với khái niệm bầu cử và dân chủ. Từ ngày tuyên bố độc lập vào năm 1993, cả đất nước này hoàn toàn nằm dưới quyền của một vị tổng thống theo đường hướng Xã Hội Chủ Nghĩa và dựa trên nền tảng của chủ nghĩa ái quốc cực tả. Cùng với Bắc Hàn, Êritria thường xuyên nằm ở top danh sách những nước kém tự do báo chí và ngôn luận nhất trên thế giới. Tình hình nhân quyền ở đất nước này luôn ở mức báo động đỏ. Thêm vào đó, vùng biên giới giữa Êritrea và Êthiopia luôn ở trong tình trạng hỗn loạn do những hoạt động nổi dậy của người Tigray. Để chống lại nhóm loạn quân này, cấm vận lương thực trở thành một thứ vũ khí được cả hai chính phủ sử dụng. Cuối cùng, những người chịu thiệt hại nhiều nhất vẫn là thường dân vô tội. Gần 1 triệu người thường xuyên phải sống tình cảnh đói kém ở cả vùng Tigray, Amhara và Afar.
Trong số dân tị nạn, Êritrea thường là những người rất cẩn trọng. Họ luôn tìm cách tránh xa người lạ, đặc biệt là những người thuộc giới báo chí. Bởi lẽ, trong số họ có nhiều người là nạn nhân của những cuộc bố ráp chính trị vì bất đồng chính kiến với tổng thống cầm quyền. Họ chạy lánh nạn đến Êthiopia, những vẫn tiếp tục là đối tượng bị săn đuổi, luôn phải đối diện với mối đe doạ bị bắt cóc, bị thủ tiêu, bị báo thù… Nhiều người trong số họ phải thường xuyên sống trong tình trạng bất an và sợ hãi.
Khi bắt đầu chú ý đến những bức tranh bị bỏ lăn lóc trong các xó xỉnh của trại tị nạn, tôi mường tượng được một cửa ngõ khác để tiếp cận với những tâm hồn đang còn trên hành trình cần được chữa lành. Vậy là tôi bắt đầu tập hợp các bức tranh lại. Sau hai tuần ngắn ngủi, phòng hoà giải của tôi trở nên như một căn phòng triển lãm tranh vậy…
Cũng có một bức tranh của một bạn trẻ người Somalia làm tôi đặc biệt chú ý. Bức tranh vẽ về một chàng trai trẻ ở tuổi đôi mươi. Chàng trai ấy mang trên mình đôi cánh thiên thần, đang lơ lửng giữa không trung trên phông nền là những áng mây trời. Thế nhưng hình ảnh của chàng trai ấy bị tách làm đôi, phản ánh hai tình trạng hoàn toàn trái ngược nhau của cùng một con người.
Ở phần bên phải và góc dưới của bức tranh, đôi cánh của chàng trai ấy có màu đen đang khép lại ủ rũ. Phần đôi chân của chàng trai buông xuôi, được che kín bởi một chiếc quần dài màu đen. Cả hai bàn chân đều bị buộc vào một sợi dây đỏ đang bị kéo căng. Sợi dây ấy như đang trói buộc, đang ghì kéo chàng trai xuống. Gương mặt của chàng trai ấy bị che phủ gần hết bởi mái tóc dài thả loà xoà. Đó là một chàng trai trẻ không rõ nhân diện, không có căn tính, không có tương lai… Ngược lại, ở phần bên trái và góc trên của bức tranh, đôi cánh của chàng trai ấy lại có màu trắng, đang mở rộng ở tư thế bay lên. Cặp mắt và cánh tay của chàng trai ấy đang hướng lên cao, về một chân trời vô định nhưng đầy ánh sáng. Chàng trai ấy có mái tóc gọn gàng và khuôn mặt được chiếu rọi rõ nét bởi ánh sáng từ trời. Như thế, bức tranh ấy được chia làm hai mảng rất rõ giữa tối và sáng, tích cực và tiêu cực, bi quan và lạc quan, quá khứ và tương lai… Cô bé hoạ sĩ người Somalia, là tác giả của bức tranh, chỉ giải thích ngắn gọn thế này: đây là hình ảnh của tôi trước và sau khi tìm được chốn dung thân trong trại tị nạn này. Mọi ánh sáng và hy vọng trong bức tranh đều đến từ một hướng duy nhất: quê hương của tôi.
Quê hương của cô bé hoạ sĩ trẻ ấy là đất nước Somalia, vùng đất có đường bờ biển dài nhất ở Châu Phi, kéo dài gần 3.500 km từ vịnh Aden dọc theo bờ biển Ấn Độ Dương. Somalia từng là một hải cảng thương mại sầm uất với các món hàng đặc sản là gia súc, gỗ mun, trầm hương, mộc dược, vàng, và các loại gia vị xứ nhiệt đới. Trên đất nước Somalia ngày nay vẫn còn các kim tự tháp sừng sững giữa sa mạc, các khu lăng mộ bị chôn vùi, các pháo đài và các bức tường đá đồ sộ… như là dấu tích của một nền văn minh rực rỡ chung chia với Aicập.
Trong lịch sử, Somalia là đất nước đầu tiên bị chinh phục dưới gót giày của những người Hồi Giáo, và cho đến hiện tại dân Somalia đa số vẫn là những người Hồi Giáo theo dòng Sunni. Giữa lòng đất nước Somalia thường xuyên xảy ra những cuộc xung đột giữa các sắc dân khác nhau. Thêm vào đó, Somalia lại là vùng đất của những cơn hạn hán kéo dài… Kết quả là nguồn lương thực trên đất nước này luôn ở mức cạn kiệt và cuộc sống của người dân luôn ở trong tình trạng bấp bênh. Năm 2012, chính quyền Liên Bang Cộng Hoà Somalia được thành lập. Nhưng tình trạng bất ổn và đói kém trên vùng đất này vẫn tiếp tục khiến cho nhiều người phải di tản và trở thành dân tị nạn ở các nước lân cận…
Tự nhiên tôi thấy biết ơn những khoá học chơi chơi mà mình đã theo về lịch sử nghệ thuật của Châu Âu. Chút kiến thức nền về nghệ thuật đủ giúp tôi cảm nhận, thưởng thức, và bình luận đôi chút về những bức tranh được vẽ nên trong âm thầm và cũng được ẩn giấu trong âm thầm ở nơi này. Khi lôi ra những bức tranh bị bỏ trong xó của các khu lều trại, tôi biết mình lại có đề tài và chất liệu để cho những người đến với mình tâm sự và chia sẻ. Những điều ẩn giấu âm thầm được đưa ra ánh sáng của tiến trình chữa lành và hoà giải.
Thế là có những người đến phòng hoà giải của tôi chỉ để nói về một bức tranh mà người ấy đã vẽ. Có những người chọn nói về một bức tranh của một ai đó, nhưng lại thấy như thể bức tranh ấy đang nói hộ lòng mình. Đương nhiên, đằng sau một bức tranh bao giờ cũng là những câu chuyện dài và cả một thế giới tiềm ẩn trong đó.
Thật kỳ diệu khi người ta có thể hoạ lại chính những niềm đau và cả những hy vọng sống mãnh liệt của mình. Khi những hỗn loạn vô hình trong tâm hồn của một người tìm được những đường nét và những sắc màu hữu hình để biểu đạt, đó đã là một bước tiến rất xa của việc tìm lại được chính mình và cụ thể hoá những hy vọng cho tương lai của mình rồi, phải không?
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog