Chương 2: Kibera
7. Kibera, từ đâu em tới?
Khu vực mà tôi kể với các bạn từ đầu đến giờ có tên là Kibera. Đó là khu ổ chuột lớn nhất trên toàn lục địa Châu Phi. Kibera nằm ngay bên rìa thành phố Nairobi. Nairobi lại là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất của các quốc gia vùng Đông Phi.
Cách thủ đô Nairobi gần 7 cây số về hướng Tây Nam, Kibera như một sa mạc cháy khô lạc lõng được bao quanh bởi những cánh rừng xanh ngút mắt và cả những khu biệt thự kín cổng cao tường.
Thống kê chính thức của chính phủ Kenya cho rằng con số những người sống trong khu ổ chuột Kibera là khoảng 200.000. Nhưng đó chỉ là con số trên giấy tờ của chính phủ thôi. Con số ấy thật ra chẳng nói lên được điều gì. Đa số những người sống ở khu này đều không có giấy tờ tuỳ thân, không chịu quản lý của bất cứ cơ quan nhà nước nào. Những cơ quan điều tra độc lập phi chính phủ chỉ ra rằng con số cư dân sống ở Kibera thật ra gấp hơn 6 lần con số thống kê chính thức. Nghĩa là có hơn 1 triệu 200 ngàn người đang chen chúc nhau sống trong khu ổ chuột Kibera.
Diện tích của toàn khu vực Kibera vào khoảng hơn kém 2,4km2. Nghĩa là một người có được 2m2 đất để mà sống. Đó chỉ là tính theo lý thuyết thôi, chưa trừ ra diện tích của những con hẻm dọc ngang chằng chịt, những bãi rác thải khắp nơi, và những dòng kênh đen ngòm ô nhiễm trên đó chẳng ai sống được.
Kibera là một từ có gốc từ tiếng Nubian, chỉ về những cánh rừng già. Nubian là sắc dân du mục sống ở vùng Bắc Sudan và Nam Aicập. Thật lạ khi một từ Nubian được dùng để chỉ về một địa danh trên đất Kenya phải không? Có lẽ phải trở lại với lịch sử hơn 100 năm trước để tìm lời giải thích.
Cột mốc lịch sử bắt đầu từ năm 1888, khi Công Ty Hoàng Gia Anh Quốc tại Đông Âu được thành lập dưới quyền bảo hộ của nữ hoàng Victoria. Nhiệm vụ của công ty này là mở ra những tuyến đường thương mại nhằm khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú ở các nước dọc bờ biển Đông Phi như Somali, Kenya, Tanzania, và Uganda.
Dọc theo tuyến đường của mình, những kẻ khai thác thuộc địa phát hiện ra Nairobi, một vùng đồi núi nằm trên mực nước biển đến 1.800m. Đấy là một mảnh đất màu mỡ với khí hậu ôn hoà quanh năm. Vùng đất ấy lại được phủ kín bởi những rừng cây xanh mướt. Ngay lập tức Nairobi được chọn làm cư sở của phần lớn các văn phòng, nhà ở, khu nghỉ dưỡng, và rất nhiều dịch vụ vui chơi giải trí của chính quyền thuộc địa.
Nhằm phục vụ cho nhu cầu giao thông và vận chuyển của chính quyền thuộc địa, năm 1899 một hệ thống đường ray xe lửa được xây dựng, nối liền Nairobi với Uganda trên phần Bắc của hồ Victoria. Vô số nhân công được đưa về Nairobi để phục vụ cho công trình này. Các nhân công này là những kẻ nhập cư đến từ nhiều nước khác nhau của Châu Phi cũng như vùng Tây và Nam Á.
Nairobi bỗng dưng trở thành một thành phố sầm uất nhờ sự ra đời của tuyến đường sắt. Các công nhân đường sắt tưởng chỉ đến đây như những người lao động tạm thời, cuối cùng lại chọn bám vào mảnh đất này để gây dựng cuộc sống.
Năm 1920, Anh Quốc thành lập chính quyền bảo hộ thuộc địa trên đất Kenya. Để bảo vệ an ninh đời sống cho những người da trắng sống trong những khu vực giàu có tại Nairobi, chính quyền thuộc địa đưa về những binh đoàn lính đánh thuê, đa số là những người Nubian có gốc từ Bắc Sudan và Nam Aicập. Những binh đoàn này được trao cho một vùng đất nhỏ để đóng trại bên rìa thành phố Nairobi. Họ đặt tên cho vùng đất ấy là Kibera.
Dòng dõi quân phiệt Nubian bỗng nhiên trở thành những người chủ đất. Họ dần mở ra những dịch vụ kinh doanh đất đai trên vùng lãnh thổ được giao cho mình. Những sắc dân khác bắt đầu vào thuê đất để sinh sống. Vùng lãnh thổ ấy có thể dung nạp đủ mọi dạng người: dân thất nghiệp tứ xứ, những người vô gia cư, kể cả những tội phạm lẩn trốn. Mọi thứ cứ tự do, tự phát, tự túc…
Kibera dần dần biến thành một khu ổ chuột. Mất trật tự. Nhếch nhác. Nghèo đói. Bất ổn…
Năm 1963, Kenya tuyên bố là một nước độc lập. Nairobi vươn mình thành một trong những thành phố đắt đỏ nhất ở Châu Phi. Giá trả cho sự phát triển của một thành phố đắt đỏ bao giờ cũng là sự gia tăng chóng mặt con số những người nghèo khổ. Dân cư từ các vùng làng quê túa về Nairobi để kiếm việc làm. Nhưng còn lâu mới có chỗ cho họ trong lòng thành phố hoa lệ ấy. Những khu đất ngon lành đã thuộc quyền người da trắng sống lâu năm trên đất Kenya. Những khu dân cư mới thì giá cả đắt đỏ trên trời.
Cuối cùng, chỉ có khu ổ chuột Kibera là nơi cưu mang những con người trôi sông lạc chợ. Đâu lạ gì khi thành phố Nairobi càng phát triển, thì khu ổ chuột cũng theo đó mà bành trướng.
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog