Chương 3: Misa Takatifu
14. Kwa nini usicheze nasi?
Kwa nini usicheze nasi?
Câu hỏi này cứ vọng đi vọng lại trong đầu tôi suốt mấy ngày. Sao bạn không nhảy với chúng tôi? Người hỏi câu hỏi ấy rất lịch sự, không có hàm ý trách móc hay chê bai gì cả. Câu hỏi chỉ đơn giản dành cho tôi như một lời mời. Bạn biết tôi nhận được lời mời ấy ở đâu không? Trong một Nhà Thờ, khi tôi đang tham dự một Thánh Lễ từ phía hàng ghế của giáo dân.
Đó là Thánh Lễ đầu tiên tôi tham dự với người bản xứ. Thánh Lễ đã để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng sâu đậm và gợi lên trong tôi rất nhiều tâm tình cảm hứng và suy tưởng.
Thánh Lễ kéo dài 2 tiếng 10 phút. Không phải tại bài giảng Lễ của Cha chủ tế dài đâu! Bài giảng rất vừa phải và vừa tầm với giáo dân, rất sống động, rất chất lượng. Đó chỉ là một Thánh Lễ Chúa Nhật thường niên chứ không có dịp gì đặc biệt cả. Nhưng tại sao Thánh Lễ lại dài đến vậy? Vì mọi người tham dự đều có phần của mình. Chủ tế có phần của Chủ tế. Giáo dân có phần của giáo dân. Nhưng thật sự tôi không thấy Thánh Lễ ấy dài một chút nào cả. Ngược lại, Thánh Lễ ấy đã mang lại cho tôi cảm giác rất no đầy cả về thiêng liêng lẫn cảm thức văn hoá và những giá trị con người.
Thánh Lễ ấy có rất nhiều màu sắc. Như chính đặc trưng bản sắc văn hoá của người dân Châu Phi vậy. Một nhóm thiếu nhi dẫn đầu đoàn rước với những bộ trang phục rực rỡ. Đoàn rước đầu Thánh Lễ. Đoàn rước Sách Tin Mừng. Đoàn rước dâng lễ vật. Đoàn rước cuối Thánh Lễ. Bầu khí Thánh Lễ vừa sống động vừa trang nghiêm với tiếng nhạc tiếng trống và với những vũ điệu của cả cộng đoàn phụng vụ trước mặt Thiên Chúa.
Thánh Lễ kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ mà nhà thờ vẫn chật kín người. Mọi người đều tham dự cách tích cực và sống động. Ai cũng tìm thấy được vị trí của mình trong cử hành phụng vụ. Họ tham gia vào các bài hát. Rất nhiều bài hát. Bài hát nào cũng trọn vẹn, giúp mọi người dự phần một cách trọn vẹn.
Có thể bạn ngạc nhiên, và cũng có thể bạn khó chịu, khi giữa chừng bài hát thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng hét. Tiếng hét đúng nghĩa. Lảnh lót như một nốt phá cách ngân dài. Phá cách nhưng rất hài hoà với tổng thể của bài hát. Như tiếng lòng của một người hướng thẳng lên Chúa, vượt ra khỏi cái khung đơn điệu của câu từ và giai điệu.
Trở lại với câu hỏi ở đầu bài nhé!
– Kwa nini uscicheze nasi? – Sao bạn không nhảy với chúng tôi?
Câu hỏi này dành cho tôi đến từ một người đàn ông ăn mặt rất lịch sự đứng bên cạnh tôi trong Thánh Lễ. Có lẽ ông nhìn thấy sự lúng túng và đóng băng của tôi. Ông nghiêng người về phía tai tôi, vừa thì thầm vừa cười cười.
Tôi nhận ra trong câu hỏi của người đàn ông không có chút gì cợt nhã. Ông chỉ thắc mắc như thể việc di chuyển cơ thể mình qua đôi chân, việc diễn tả tâm tình của mình qua đôi tay… là điều gì đó vô cùng tự nhiên của một người khi bước vào nhà Chúa, mà sao tôi không làm được. Giống như câu hỏi: sao anh vào đây mà không mang y phục lễ cưới vậy! Tự nhiên tôi thấy ông ấy thắc mắc có lý.
Tôi cũng ghé sang tai ông ấy và thì thầm:
– Tôi mới tới. Đây là Thánh Lễ đầu tiên. Tôi không biết phải nhảy như thế nào…
Ông ấy mỉm cười nhìn tôi:
– Dễ lắm. Cậu bắt chước theo tôi nà. À, còn không, cậu chỉ cần nhắm mắt lại. Thả lỏng người ra. Cơ thể của cậu sẽ tự di chuyển cho mà xem…
Tôi nhắm mắt lại. Hít thở thật đều. Lắng nghe nhịp trống. Lắng nghe tiếng hát của cả cộng đoàn chung quanh. Mọi người đang hát Kinh Vinh Danh. Tôi không thể hiểu hết từng câu từng lời trong bài hát. Nhưng tôi đoán được nội dung họ đang hát tới đâu. Và quan trọng hơn hết, tôi cảm được rất rõ cái niềm vui và sức sống trong từng câu hát của họ. Họ không chỉ hát suông. Họ đang sống cái sức sống ấy. Họ đang sống từng lời họ hát.
Và bạn có tin không, tôi thấy cơ thể mình bắt đầu di chuyển theo nhịp hát. Những lắc lư của cơ thể. Những máy động rất tự nhiên của đôi chân và đôi tay. Con tim của tôi cũng bắt đầu rung động…
Tôi dần hiểu ra tại sao Giáo Hội Châu Phi là Giáo Hội phát triển nhất trong tất cả Giáo Hội Công Giáo trên toàn cầu. Tôi hiểu tại sao người Công Giáo Châu Phi vẫn là những người giữ Đạo tốt nhất và thường xuyên đến nhà thờ nhất.
Họ đi Lễ là để trở về nhà của mình mà!
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog