Chương 7: Giữa những người tị nạn
43. Quả bóng xẹp và những đôi giày rách
Đối tượng được chúng tôi để ý chăm sóc nhiều nhất là những đứa trẻ vừa mới đến trại. Chẳng ai biết những đứa trẻ này đã phải trải qua chặng hành trình như thế nào thì mới có thể đến được nơi đây. Những khổ nhọc trên đường chạy loạn, những sang chấn tâm lý, cảm giác lo sợ bất an và thiếu chắc chắn, cảm giác thiếu tin tưởng, sự khép kín và câm lặng, đôi khi có cả sự nổi loạn và bất chấp, bất cần… tất cả đều là những triệu chứng cần được nhận ra sớm nhất có thể và chăm sóc đúng cách nhất có thể. Các nhân viên phục vụ trong trại đều phải học cách để trở nên như bố, như mẹ, như thầy, như một người anh, như một người chị, như một người bạn… để những đứa trẻ này tìm lại được cảm giác tin tưởng và được yêu thương.
Lý thuyết là thế đó. Còn thực tế thì chẳng dễ tí nào.
Có những đứa trẻ đến trong trại trong tình trạng hoàn toàn câm lặng. Cả khi được đặt vào một sân chơi ồn ào náo nhiệt với các bạn cùng tuổi, những đứa trẻ ấy vẫn chọn thu mình vào một góc và hiện diện ở đó một cách câm lặng. Ai chơi thì cứ chơi. Còn mình thì như chẳng thuộc gì về thế giới này, chẳng muốn thuộc về thế giới này.
Một sáng sớm, tôi gặp một cậu bé trước sân bóng của khu trại tị nạn. Cậu bé đang ngồi phệch dưới đất, thu chân sát vào người, hai tay đang vòng qua ôm chặt hai chân, và gục đầu trên đôi vòng tay bé nhỏ của mình. Tôi chẳng biết gì hơn ngoài thông tin rằng cậu bé tên là Asaf đến từ Yemen, vừa mới được nhận vào trại tị nạn này được gần một tuần. Cậu bé chỉ đến đây một mình, chẳng nói được ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Ảrập. Thật ra, người ta tin rằng Asaf hiểu được tiếng Ảrập, nhưng chưa ai nghe cậu bé nói một lời nào kể từ khi vào trại.
Nhìn quanh khoảng sân vắng trong buổi sáng sớm, tôi thấy có một quả bóng đang nằm ở góc sân không xa chỗ cậu bé đang ngồi là mấy. Thế là tôi tiến lại gần và bắt đầu chơi trò tưng bóng một mình. Quả bóng thiếu hơi, tưng lên rồi rớt xuống không theo một quỹ đạo nhất định nào cả. Tưng được vài cái thì bóng đã rớt xuống đất. Thế nhưng tôi vẫn cứ tiếp tục tưng bóng. Tiếng động của quả bóng chừng như đã bắt đầu thu hút được cậu nhóc. Cậu ngước mắt lên nhìn tôi, chỉ một chút thôi, rồi lại cúi đầu vào vòng tay đang bó quanh gối của mình. Chỉ một cái ngước lên rất nhanh và rất khẽ, nhưng đã là một tín hiệu rất tốt dành cho tôi rồi… Tôi tiếp tục tưng bóng, rồi bất ngờ cố tình đá trái bóng về phía cậu nhóc. Thấy trái bóng xẹp lăn chầm chậm về phía mình, cậu bé cứ hờ hững để mặc như chẳng có chuyện gì. Khi tôi ra hiệu cho cậu đưa trái bóng về phía mình, cậu bé chỉ lấy tay hất trái bóng một cách rất lười lĩnh. Nhưng không sao. Tôi lại tiếp tục tưng bóng. Lại rớt bóng. Lại cố tình đẩy bóng về phía cậu bé. Sau vài lần đẩy bóng về phía tôi bằng tay, chừng như không chịu được cái sự vụng về của tôi nữa, cậu bé đứng lên và bắt đầu dùng chân chơi bóng.
Cậu bé chơi bóng bằng đôi chân trần, nhưng tưng bóng vô cùng điệu nghệ. Quả bóng cứ như dính chặt vào đôi chân và trở thành một phần cơ thể của cậu bé vậy… Sau một hồi tưng bóng chừng như đã đủ làm nóng, cậu bé bắt đầu tung chân sút thẳng quả bóng vào tường. Bóng vừa dội ra thì cậu bé lại tiếp tục sút. Liên tục những cú sút. Cậu bé vừa sút vừa hét. Tiếng hét vang lên nghe như tiếng của một đứa trẻ đang reo vui, nhưng lại cũng rất giống tiếng của một người muốn hét cho thoả những ấm ức đã từ lâu bị kìm kẹp và dồn nén trong lòng mình. Tiếng hét của cậu bé thu hút sự chú ý của những nhân viên đến trại buổi sớm. Họ mỉm cười rất tươi và rất hạnh phúc…
Bây giờ thì tôi hiểu tại sao những quả bóng da nơi đây không chưa bao giờ được bơm đầy hơi. Không có ngôi nhà, bức tường, hay khung cửa nào có thể chịu nổi những cú sút bóng của các bạn trẻ nơi này. Họ có thể chơi bóng với nhau một cách rất vô tư và hồn nhiên. Nhưng những cú sút bóng của họ chừng như luôn mang theo sức mạnh giải toả của một sự kìm nén nào đó, của một chút xu hướng bạo lực nào đó.
Mỗi ngày, nơi đây đều có giờ chơi bóng dành cho các thanh thiếu niên. Giờ chơi được bọn nhóc chọn là từ 12:30 cho đến gần 14:00 chiều. Giữa trưa tròng bóng và dưới cái nắng gay gắt nhất, bọn trẻ đua nhau vừa chạy vừa hét. Có những đôi chân trần trên đất. Có những đôi chân mang giày, nhưng chẳng phải là một đôi. Có khi chân phải mang chiếc đen, chân trái mang chiếc trắng. Có khi chân này mang Addidas, chân kia mang Nike. Những đôi giày đã cũ và đã rách tươm. Những đôi giày không hở miệng thì cũng hở đế… tất cả đều đuổi theo trái bóng tròn xẹp hơi. Vừa chạy vừa la hét…
Có những ngày tôi cùng chạy chơi với bọn nhóc. Nhưng chỉ chạy được hơn 10 phút thì đã có cảm giác thở không còn ra hơi nữa. Lúc đó tôi mới giật mình nhớ ra mình đang ở trên độ cao gần 2.500m so với mực nước biển, trên vùng đồi núi có không khí và áp suất loãng… Nhưng bọn trẻ thì chừng như không biết mệt. Hoặc có những kẻ muốn tìm cái mệt giữa trưa đầy nắng như thể đi tìm một sự và giải toả và cân bằng cảm xúc nào đó.
Những đôi giày rách đuổi theo một chiếc bóng xẹp. Khoảng sân đất bốc lên những đám bụi mịt mù. Tiếng cười, tiếng la hét, tiếng cãi cọ… tất cả ồn ào và hỗn loạn như chính thực trạng sống của thế giới này, của chính khu trại tị nạn này vậy.
Và tôi cứ mong một ngày được nhìn thấy cậu bé Asaf hoà mình vào trong thế giới ấy, chạy trong chính cái đám hỗn loạn ấy. Dù thế giới có ồn ào và hỗn loạn đến mấy, chỉ cần tìm được cho mình một chỗ giữa đám bạn bè và giữa lòng những người mà mình thương mến, thì ngay lập tức thế giới ấy đã trở thành một thế giới sống. Rất thực và rất đẹp, phải không?
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog