Sa mạc có gió và cát. Nơi có cái nóng gay gắt vào ban ngày và sự lạnh giá vào ban đêm. Nơi chỉ một số ít sinh vật có thể tồn tại do sự khắc nghiệt của thời tiết. Nơi không có tiếng ồn ào náo nhiệt bởi những sinh hoạt của con người, nhưng có tiếng gió thổi và tiếng cát bay. Cũng vậy, sa mạc nội tâm là nơi thinh lặng, dành chỗ cho những cuộc gặp gỡ và những cảm nghiệm thiêng liêng của con người với Thiên Chúa – Đấng mà họ tìm kiếm. Theo quan niệm của người Dothái, sa mạc là nơi bị nguyền, nơi của ma quỷ, rắn rết, và bọ cạp. Thế nhưng, Thiên Chúa lại mời gọi con người hãy bước vào “sa mạc nội tâm” để gặp gỡ Người và gặp lại chính mình. Tĩnh huấn giữa năm hồi tâm khấn trọn là cơ hội để chị em chúng con bước vào sa mạc của lòng mình để lắng nghe và gặp gỡ Thiên Chúa, duyệt xét lại lịch sử của cuộc đời mình, và cũng là thời gian để đưa ra những quyết định, những lựa chọn cho bước đường sắp tới.
Để vào sa mạc, chúng ta phải “bỏ dép ra” đi chân không, chấp nhận những chông gai, sỏi đá có thể vấp phải, chấp nhận những vết thương có thể xảy ra trên đường đi. Bỏ dép ra là bỏ đi cái tôi ích kỷ, những ý riêng, những dự định, để Chúa hướng dẫn, dìu dắt. Khi bước vào nhà nguyện của Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình, chị em chúng con cũng được mời gọi bỏ dép ra, không phải do sợ bẩn nhà nguyện mà muốn chúng con ý thức rằng, mỗi khi đến với Chúa, chúng ta phải bỏ ngoài cửa những thú vui, những sở thích cá nhân, những cái tôi ích kỷ, thì chúng ta mới có thể bước vào khu đất thánh là chính cõi lòng của mình, để xứng đáng đàm thoại với Người.
Bước vào sa mạc là chấp nhận bóc trần con người của mình để Thiên Chúa thanh tẩy. Như xưa, Thiên Chúa đã dẫn Môsê vào sa mạc để thanh tẩy, dạy dỗ, thì nay Thiên Chúa cũng đưa mỗi người chúng con vào sa mạc để có những cuộc Vượt qua. Chỉ khi đối diện với chính mình, chúng ta mới nhìn ra con người thật của mình, nhìn thấy những sai lỗi, những thiếu sót, mới nhận ra sự yếu đuối của phận người. Chỉ nơi thinh lặng sâu thẳm của tâm hồn, con người mới có thể đi vào được những cảm nghiệm thiêng liêng với Thiên Chúa, Đấng luôn luôn chờ đợi, yêu thương, và lắng nghe cõi lòng của con người. Nhờ những chia sẻ của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, chúng con mỗi ngày đi sâu hơn trong việc nhìn nhận và tái khám phá con người của mình, để nhận ra đâu là những Pharaoh trong con người, để đưa ra những quyết tâm thay đổi, có được những cuộc Vượt qua thực sự.
Sau hành trình bốn mươi năm trong sa mạc, Môsê trở về với một con người hoàn toàn mới (Cv 7,35-37). Trước kia, Môsê cậy vào sức riêng của mình tự ý hành động, tự ý phân xử những bất công khi dân tộc của ông bị áp bức, nhưng ông đã thất bại (Cv 7,23-29). Sau những thất bại ấy, ông đã hoàn toàn vâng phục, phó thác cuộc đời của mình và vận mạng của dân cho Thiên Chúa để Người dẫn dắt. Một tuần bên Chúa không phải là thời gian dài, cũng không quá ngắn, nhưng đủ để chúng con có những trải nghiệm thiêng liêng với Thiên Chúa, để chúng con lấy lại tinh thần, nhìn lại những chặng đường đã qua, và đề ra những quyết định quan trọng cho hành trình phía trước. Ước mong sao, những ơn lành mà chúng con đã lãnh nhận được trong tuần tĩnh huấn sẽ mãi là sức mạnh, là nội lực, là hành trang để chúng con vượt qua những khó khăn mà vững bước trên hành trình dâng hiến và phục vụ.
Hồi tâm – 21