Chương 5: Châu Phi & Laudato sì
27. Tựa lưng vào cây Baobab
Baobab là một giống cây kỳ lạ.
Nếu bạn có dịp băng ngang một vùng thảo nguyên của Châu Phi, hình thù của cây Baobab có thể gợi lên trong đầu bạn rất nhiều tưởng tượng thú vị. Như một chú voi mamút khổng lồ có cắm trên đầu rất nhiều sừng và ngà. Như một loài sinh vật trong các câu chuyện truyền kỳ cổ tích có thân và bụng rất to, chân rất ngắn, trên đầu lại gắn tua tủa những bộ sừng cồng kềnh của loài tuần lộc. Hoặc đơn giản hơn, như một chú robot toàn thân nhẵn bóng trên đầu lại có rất nhiều ăngten.
Có nhiều câu chuyện thần thoại được lưu truyền trong dân gian vì hình thù kỳ lạ của loài cây Baobab. Chẳng hạn, có chuyện kể rằng khi Thiên Chúa tạo dựng nên mọi loài cây trái trong vườn địa đàng thì có cả cây Baobab. Nhưng loài cây này tăng động quá, cứ chạy hết chỗ này đến chỗ khác và chẳng chịu đứng yên ở chỗ của mình. Để quản lý loài cây này, Thiên Chúa bèn quyết định lật ngược toàn thân cây: cho ngọn cắm xuống đất và bộ rễ chổng ngược lên trời. Kết quả là cây Baobab có hình dạng như hiện tại.
Lại có chuyện kể rằng cây Baobab vốn là loài sinh vật độc đáo trong số các loài thọ tạo của Chúa. Nhưng loài cây ấy có thói tật hay tự hào với vẻ đẹp rườm rà phù phiếm của chính mình. Để dạy cho loài cây này một bài học về cuộc sống, Thiên Chúa bèn lật ngược mọi sự: Người chôn vẻ đẹp của chúng vào lòng đất, lại khoe ra chùm rễ khẳng khiu trơ trụi của chúng lên trời.
Bất kể những câu chuyện mang đầy màu sắc thần thoại và khôi hài như thế, người dân Châu Phi thật ra vẫn rất yêu quý giống cây Baobab. Sự kiên cường của loài cây ấy là nguồn cảm hứng bất tận cho những con người phải sống trong nghịch cảnh. Vóc dáng cổ thụ của loài cây ấy dạy người dân Châu Phi tin vào sự giàu có phong nhiêu của miền đất Mẹ mà mình đang sinh sống. Chỉ cần bám rễ vào đất Mẹ để tìm lấy nhựa sống cho đời mình, ai cũng có thể trở nên vĩ đại như loài cây Baobab.
Người dân Châu Phi còn hay nói: “tốt bụng như cây Baobab!”. Câu này có thể được hiểu theo đúng nghĩa đen. Cây Baobab có phần thân phình to như một chiếc bụng khổng lồ. Nhiệm vụ của chiếc bụng phình to ấy là trữ nước để giữ cho cây sống sót qua những mùa nắng nôi và khô hạn. Nhờ vậy, Baobab được xem là loại thực vật có hoa sống lâu nhất trên trái đất này. Bằng phương pháp đo tuổi Carbon, có những cây Baobap được xác định thậm chí đã sống qua cả vài ngàn năm tuổi.
Giữa vùng thảo nguyên mênh mông chỉ có nắng, gió, nóng bức, và những đồng cây bụi, dáng cây Baobab nhô lên như một loài sinh vật cổ thụ sừng sững và kỳ bí.
Những người mê bonsai sẽ chẳng thể nào rời mắt khỏi những tàng cây Baobap mọc giữa cánh đồng. Dáng đứng cô đơn nhưng đầy ngạo nghễ. Thân nhẵn bóng không có vỏ. Sắc màu xám đậm và đầy những vệt gấp, tựa như màu da của những chú voi khổng lồ đã in đậm dấu ấn thời gian. Những tàng cây tua tủa vươn lên, nhưng phải hiếm hoi lắm mới có vài tán lá, cứ như những chùm rễ cây mọc ngược ngạo nhưng lại đầy kiêu hãnh khoe ra giữa trời.
Không chỉ sống để làm kiểng, cây Baobab thực ra là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho người dân Châu Phi. Với những người sinh ra và lớn lên trên những vùng thảo nguyên, bột thức ăn đến từ trái cây Baobab là một loại thực phẩm không thể thiếu. Trái cây Baobab được phơi khô, được nghiền thành bột, trở nên như một loại gia vị được cho vào bất cứ loại thức ăn nào. Loại bột này còn là một kiểu thực phẩm chức năng rất giàu hàm lượng dinh dưỡng với vitamin C, Canxi, Kali, Magie và nhiều dưỡng chất khác….
Mỗi cây Baobab cổ thụ đều tạo ra một quần thể sinh thái chung quanh mình: những loài chim di trú về làm tổ, những đàn ong bướp rập rờn đến để hút lấy mật hoa, những đàn sóc và khỉ đến để ăn trái, cả những chú voi rừng cũng thường đến nương mình và tìm bóng mát bên thân cây Baobab… Thế nên cây Baobab còn thường xuyên xuất hiện như hình ảnh biểu tượng của tình người, của tình làng nghĩa xóm, của gia đình và tổ ấm, của quê hương và xứ sở cội nguồn. Mỗi chiều, khi ngắm hoàng hôn xuống trên thảo nguyên mênh mông, được nhìn thấy những chú sóc chuyền cành, được nghe tiếng vô số những loài chim về ríu rít trên tàng cây Baobab, người ta sẽ hiểu tại sao cây Baobab được mệnh danh là “cây sự sống”.
Người ta cũng sẽ hiểu hơn lời nhắn nhủ của những người lớn nơi đây mỗi khi phải tiễn con cháu của mình đi học hành hay làm ăn xa: Có chuyện gì, cứ về mà tựa lưng vào cây Baobab!
Cao Gia An, S.J., Trích “Nhật Ký Châu Phi 2024”
Nguồn: Gia An’s blog